Công dụng thuốc Esogas

Công dụng thuốc Esogas

Esomeprazole là hoạt chất thuộc nhóm ức chế bơm proton được sử dụng rất rộng rãi với nhiều sản phẩm khác nhau, trong đó có thuốc Esogas. Vậy thuốc Esogas là thuốc gì và sử dụng như thế nào?

1. Thuốc Esogas là thuốc gì?

Esogas là một chế phẩm được sản xuất bởi Công ty Dược và Trang thiết bị Y tế Bình Định với hoạt chất chính là Esomeprazole bào chế dạng bột đông khô pha tiêm.

Thành phần cho 1 đơn vị đóng gói nhỏ nhất của thuốc Esogas, bao gồm:

  • 1 lọ bột đông khô pha tiêm chứa Esomeprazole (dưới dạng Esomeprazol natri) hàm lượng 40mg và một số tá dược vừa đủ trong 1 lọ;
  • 1 ống dung môi pha tiêm 5ml.

2. Chỉ định, chống chỉ định của thuốc Esogas

Ở người lớn, thuốc Esogas được sử dụng trong những trường hợp sau:

  • Ức chế tiết acid dạ dày khi liệu pháp Esomeprazol đường uống không phù hợp trong những bệnh cảnh như trào ngược dạ dày thực quản, loét dạ dày do dùng NSAID hoặc Esogas được dùng với mục đích dự phòng loét dạ dày tá tràng do NSAID ở những bệnh nhân nguy cơ cao;
  • Phòng ngừa tái xuất huyết sau nội soi cầm máu ở những bệnh nhân được chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày hoặc tá tràng.

Ở trẻ em từ 1-18 tuổi, thuốc Esogas được dùng với mục đích kháng tiết acid dạ dày khi liệu pháp đường uống không thích hợp trong bệnh cảnh trào ngược dạ dày thực quản.

Một số trường hợp chống chỉ định sử dụng thuốc Esogas:

  • Dị ứng với hoạt chất Esomeprazole hoặc các hoạt chất khác của nhóm ức chế bơm proton;
  • Dị ứng với thành phần tá dược có trong thuốc Esogas;
  • Esogas chống chỉ định sử dụng đồng thời với Nelfinavir.

3. Hướng dẫn sử dụng thuốc Esogas

3.1. Liều dùng của Esogas

Liều dùng Esogas ở người lớn:

  • Bệnh nhân không thể sử dụng Esomeprazole đường uống có thể được điều trị bằng thuốc Esogas với liều 20-40 mg, 1 lần/ngày. Các trường hợp viêm thực quản trào ngược nên sử dụng 1 lọ Esogas 40mg/ngày và khi cần điều trị triệu chứng của GERD thì dùng liều 20mg/ngày;
  • Điều trị loét dạ dày do dùng NSAID, liều thông thường của Esomeprazole là 20mg, 1 lần/ngày;
  • Liều Esogas trong phòng ngừa loét dạ dày thực quản do dùng NSAID ở bệnh nhân nguy cơ cao: 20mg, 1 lần/ngày;
  • Thời gian điều trị với thuốc Esogas thường ngắn và xem xét chuyển sang đường uống khi có thể;
  • Liều Esogas để phòng tái xuất huyết do loét dạ dày và tá tràng: Sau nội soi cầm máu, bệnh nhân nên được tiêm truyền ở liều cao 80mg (2 lọ Esogas) trong thời gian 30 phút, sau đó duy trì truyền tĩnh mạch liên tục với liều 8mg/giờ trong thời gian 72 giờ. Sau giai đoạn tiêm truyền tĩnh mạch, bệnh nhân nên được tiếp tục ức chế tiết acid với Esomeprazole đường uống.

Liều dùng thuốc Esogas ở trẻ em từ 1-18 tuổi:

Liều khuyến cáo khi sử dụng esomeprazol bằng đường tĩnh mạch:

  • Điều trị viêm thực quản do bào mòn:
    • Trẻ 1 – 11 tuổi: Cân nặng dưới 20kg dùng liều 10mg, 1 lần/ngày; cân nặng trên 20kg dùng liều 10 hoặc 20mg, 1 lần/ngày;
    • Trẻ 12-18 tuổi: 40mg (1 lọ Esogas), 1 lần/ngày;
  • Điều trị triệu chứng của GERD:
    • Trẻ 1-11 tuổi: 10mg, 1 lần/ngày;
    • Trẻ 12-18 tuổi: 20mg, 1 lần/ngày.

Liều dùng thuốc Esogas ở một số bệnh nhân đặc biệt:

  • Suy thận: Không cần phải giảm liều thuốc Esogas nhưng nên thận trọng nếu suy thận nặng vì kinh nghiệm sử dụng còn hạn chế;
  • Người cao tuổi: Không cần giảm liều thuốc Esogas;
  • Suy gan:
    • Khi dùng Esogas điều trị GERD thì không cần điều chỉnh liều nếu bệnh nhân suy gan nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên với bệnh nhân suy gan nặng, liều tối đa là 20mg/ngày;
    • Esogas điều trị loét xuất huyết: Không điều chỉnh liều thuốc Esogas nếu suy gan nhẹ đến trung bình. Trường hợp suy gan nặng vẫn dùng liều tấn công 80mg nhưng liều duy trì nên giảm còn 4mg/h trong 71.5 giờ có thể đủ để đạt hiệu quả.

3.2. Cách sử dụng thuốc Esogas

Đối với cách dùng tiêm tĩnh mạch, dung dịch tiêm thuốc Esogas được chuẩn bị bằng cách hoàn nguyên lọ bột đông khô với 5ml dung dịch NaCl 0.9%, sau đó tiến hành tiêm tĩnh mạch chậm trong ít nhất 3 phút.

Đối với đường dùng truyền tĩnh mạch:

  • Dung dịch truyền tĩnh mạch (liều 40mg) trong 10 – 30 phút: Hoàn nguyên lọ bột đông khô với 5ml dung dịch NaCl 0.9%, sau đó tiếp tục pha loãng đến thể tích 100ml;
  • Dung dịch truyền tĩnh mạch (liều 80mg): hoàn nguyên 2 lọ bột Esogas 40mg, mỗi lọ với 5ml dung dịch NaCl 0.9%. Sau đó, dung dịch trong 2 lọ tiếp tục được pha loãng thêm trong 100 ml dung dịch NaCl 0.9%.

Dung dịch Esogas sau khi pha phải đảm bảo trong suốt, không màu hoặc hơi vàng nhạt. Lưu ý dung dịch Esogas đã pha không được pha trộn hoặc dùng chung bộ dây truyền với các thuốc khác.

4. Một số thận trọng khi dùng thuốc Eosgas

  • Bệnh nhân có triệu chứng như sụt cân không rõ nguyên nhân, nôn ói tái phát, nuốt khó, nôn máu hoặc phân đen… và khi đã xác định hoặc nghi ngờ loét dạ dày nên được chẩn đoán loại trừ bệnh lý ác tính vì việc điều trị với thuốc Esogas có thể các triệu chứng ung thư lu mờ và dẫn đến chẩn đoán chậm trễ.
  • Nhiễm khuẩn đường tiêu hoá: Điều trị bằng các thuốc ức chế bơm proton như thuốc Esogas có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa do Salmonella và Campylobacter.
  • Hấp thu vitamin B12: thuốc Esogas có thể làm giảm hấp thu vitamin B12 do làm giảm nồng độ acid tại dạ dày. Việc này nên thận trọng ở bệnh nhân giảm dự trữ hoặc có nguy cơ giảm hấp thu vitamin B12 khi điều trị bằng Esogas dài hạn.
  • Nguy cơ gãy xương: Khi dùng các thuốc ức chế bơm proton, bao gồm thuốc Esogas, đặc biệt khi điều trị liều cao và kéo dài (trên 1 năm), có thể làm tăng nguy cơ gãy xương chậu, xương cổ tay hoặc cột sống do loãng xương. Do đó khuyến cáo dùng thuốc Esogas ở liều thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất có thể, đồng thời ở bệnh nhân có nguy cơ gãy xương do loãng xương nên bổ sung đủ calci và vitamin D, đánh giá tình trạng xương và quản lý theo hướng dẫn.
  • Điều trị bằng thuốc Esogas kéo dài có thể gây viêm teo dạ dày hoặc tăng nguy cơ nhiễm khuẩn (trong đó có viêm phổi cộng đồng).
  • Nguy cơ tiêu chảy do Clostridium difficile tăng lên khi dùng các thuốc ức chế bơm proton như Esogas.
  • Sử dụng thuốc Esogas trong thời kỳ mang thai: Chưa có nghiên cứu đầy đủ, do đó chỉ sử dụng khi thật cần thiết.
  • Sử dụng thuốc Esogas trong thời kỳ cho con bú: Chưa biết Esomeprazol có bài tiết vào sữa mẹ hay không, tuy nhiên do vẫn có khả năng gây ra các tác dụng phụ ở trẻ bú mẹ nên phải quyết định ngừng cho con bú hoặc ngừng thuốc Esogas, tùy theo tầm quan trọng điều trị với người mẹ.
  • Thuốc Esogas có thể ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy do một số tác dụng phụ như chóng mặt và hạn chế tầm nhìn.

5. Tương tác thuốc của Esogas

Không khuyến cáo sử dụng kết hợp thuốc Esogas với Atazanavir. Trường hợp bắt buộc phối hợp cần theo dõi chặt chẽ lâm sàng khi tăng liều Atazanavir lên 400mg kết hợp Ritonavir 100mg và Esomeprazole không dùng quá 20mg/ngày.

Esomeprazole trong thuốc Esogas là một chất ức chế CYP2C19. Khi bắt đầu hoặc kết thúc điều trị với Esogas đều cần xem xét khả năng tương tác với các thuốc chuyển hóa qua CYP2C19.

Tương tác giữa Clopidogrel và Esomeprazole đã được ghi nhận. Tuy nhiên mối liên quan lâm sàng của tương tác thuốc này không chắc chắn, nhưng để đảm bảo vẫn không khuyến khích sử dụng đồng thời Esogas và Clopidogrel.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-esogas/

Công dụng thuốc Goldoflo Previous post Công dụng thuốc Goldoflo
Công dụng thuốc Daktarin Oral gel 10g Next post Công dụng thuốc Daktarin Oral gel 10g