Công dụng thuốc Visulin 1g/0,5g

Công dụng thuốc Visulin 1g/0,5g

Thuốc Visulin 1g/0,5g được sản xuất và đăng ký tại Công ty cổ phần dược phẩm VCP, thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus, kháng nấm. Vậy thuốc Visulin được chỉ định sử dụng trong trường hợp nào?

1. Thuốc Visulin là thuốc gì?

Thuốc Visulin có thành phần chứa 2 hoạt chất chính là Ampicillin có hàm lượng là 1g và Sulbactam có hàm lượng là 0,5g. Thuốc được bào chế dưới dạng bột pha tiêm, đóng gói dạng hộp 10 lọ, hộp 1 lọ hoặc hộp 1 lọ cùng với 1 ống nước cất pha tiêm 5ml.

2. Công dụng của thuốc Visulin

2.1. Tác dụng của thành phần chính trong công thức

Thuốc Visulin 1g/0,5g được phối hợp giữa Ampicillin và Sulbactam với tỷ lệ cố định là 2:1

  • Hoạt chất Ampicillin: Đây là một kháng sinh bán tổng hợp, có phổ tác dụng rộng. Giúp ức chế quá trình sinh tổng hợp Mucopeptid của thành tế bào vi khuẩn.
  • Hoạt chất Sulbactam: Bản chất là một acid Sulfon Penicillanic, có hoạt tính ức chế 2 loại Beta – Lactamase qua trung gian nhiễm sắc thể và Plasmid.

Việc kết hợp sử dụng hai hoạt chất này giúp:

  • Tạo ra được một tác dụng hiệp đồng trong việc diệt vi khuẩn.
  • Đối với các loại vi khuẩn Beta – Lactamase đã kháng lại Ampicillin khi dùng đơn độc thì việc kết hợp chung này giúp mở rộng phổ kháng khuẩn của Ampicillin trên các loại này.
  • Phổ tác dụng: vi khuẩn kỵ khí, vi khuẩn gram âm, vi khuẩn gram dương.

2.2. Chỉ định của thuốc Visulin

Thuốc Visulin được chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp (trên và dưới) gồm: viêm phổi do vi khuẩn, viêm xoang, viêm nắp thanh quản, viêm tai giữa.
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu hoặc viêm thận, bể thận.
  • Nhiễm khuẩn trong ổ bụng (viêm túi mật, viêm phúc mạc,…), bệnh phụ khoa (viêm vòi trứng, viêm nội mạc tử cung, viêm vùng chậu,…)
  • Nhiễm khuẩn trên da, cơ, khớp, xương, viêm màng não, nhiễm lậu cầu không biến chứng.
  • Dự phòng quanh phẫu thuật, chỉ định sử dụng đối với các bệnh nhân phẫu thuật ổ bụng, vùng chậu có thể bị nhiễm bẩn đến phúc mạc giúp làm giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn hậu phẫu, hoặc dự phòng nhiễm khuẩn hậu sản trong trường hợp mổ lấy thai hoặc chấm dứt thai kỳ.

2.3. Chống chỉ định của thuốc Visulin

  • Không chỉ định cho bệnh nhân quá mẫn với bất kì thành phần nào của thuốc hoặc Penicillin, Cephalosporin.
  • Bệnh nhân đã có tiền sử rối loạn chức năng gan hoặc vàng da ứ mật khi sử dụng 1 hoặc 2, hoặc cả 2 hoạt chất có trong thuốc Visulin.
  • Chống chỉ định đối với người bệnh nhiễm Virus Herpes, hoặc tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn.

3. Cách dùng và liều dùng thuốc Visulin

3.1. Cách dùng thuốc Visulin

Thuốc được sử dụng bằng đường tiêm bắp sâu, tiêm tĩnh mạch và truyền tĩnh mạch chậm.

3.2. Liều dùng thuốc Visulin

Đối với người lớn: Tổng liều của Sulbactam không quá 4g/ngày.

  • Nhiễm khuẩn nhẹ ngày dùng từ 1,5 đến 3g.
  • Nhiễm khuẩn vừa ngày dùng tăng tới 6g.
  • Nhiễm khuẩn nặng ngày dùng tăng tới 12g, chia ra 3 đến 4 lần trong ngày.

Đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, trẻ em: Liều sử dụng dựa trên cân nặng, ngày dùng 150mg/kg cân nặng, chia 3 – 4 lần, riêng trẻ sơ sinh dưới 1 tuần, ngày chia 2 lần.

Điều trị trên lậu, liều đơn 1,5g kết hợp với uống 1g Probenecid.

Người bị suy thận, điều chỉnh liều dùng và khoảng cách liều cần dựa vào mức độ suy thận, chủng gây bệnh và độ trầm trọng của nhiễm khuẩn.

Dự phòng quanh phẫu thuật dùng liều từ 1,5 đến 3g lúc khởi mê, nhắc lại mỗi 6 đến 8 giờ/ngày sau mổ.

4. Tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc Visulin

Các tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc Visulin như sau:

Các triệu chứng thường gặp là: tiêu chảy, phát ban, đau tại vị trí tiêm, viêm tĩnh mạch, viêm tĩnh mạch huyết khối.

Các triệu chứng ít gặp hơn như: Mày đay, khó chịu, buồn nôn, đau ngực, mẩn ngứa, viêm đại tràng màng giả, viêm lưỡi, nôn, đau đầu, bí tiểu, viêm dạ dày, hồng ban đa dạng, giảm bạch cầu hạt, phù, nhiễm Candida, mệt mỏi, đầy hơi chướng bụng, sốc phản vệ, viêm âm đạo, viêm thận, tăng men gan.

5. Tương tác thuốc Visulin

Cần thận trọng khi phối hợp điều trị bằng thuốc Visulin với những thuốc sau:

  • Cả 2 hoạt chất có trong thuốc Visulin đều có tương kỵ về mặt lý – hóa với Aminoglycosid và có thể làm mất hoạt tính của thuốc này.
  • Khi sử dụng chung với Probenecid, hoạt chất này ức chế cạnh tranh sự thải trừ của 2 hoạt chất Ampicillin và Sulbactam qua ống thận. Từ đó, làm tăng và kéo dài nồng độ của 2 hoạt chất này trong huyết thanh.
  • Điều trị đồng thời Ampicillin và Allopurinol làm gia tăng tần suất phát ban trên người bệnh có lượng acid uric máu cao.
  • Hoạt chất Ampicillin có ảnh hưởng đến xét nghiệm tìm glucose trong nước tiểu khi sử dụng phương pháp đồng sulfat. Tuy nhiên không ảnh hưởng khi dùng bằng phương pháp glucose oxidase.

6. Chú ý sử dụng thuốc Visulin

  • Đối với phụ nữ mang thai: Cần cân nhắc giữa lợi ích điều trị và tác dụng phụ có thể mang lại khi điều trị bằng thuốc Visulin trên đối tượng này.
  • Đối với bà mẹ đang cho con bú: Có một lượng nhỏ tiết qua sữa. Vì vậy, nên ngưng cho trẻ bú khi bà mẹ được chỉ định điều trị bằng thuốc Visulin.

Thuốc Visulin là thuốc bán theo đơn, có thể gây ra các tác dụng không mong muốn trong quá trình sử dụng. Vì vậy, bệnh nhân không tự ý sử dụng mà phải tuân thủ theo sự chỉ định của bác sĩ điều trị.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-visulin-1g05g/

Công dụng thuốc Bivitanpo 50 Previous post Công dụng thuốc Bivitanpo 50
Công dụng thuốc Bidisamin 250 Next post Công dụng thuốc Bidisamin 250