Công dụng thuốc Ticarcilin 1g

Công dụng thuốc Ticarcilin 1g

Ticarcilin là thuốc gì? Thuốc Ticarcilin 1g có thành phần hoạt chất chính là Ticarcillin với hàm lượng là 1g và các tá dược khác với lượng vừa đủ. Đây là loại thuốc kháng sinh, penicillin tổng hợp có công dụng trong điều trị nhiễm khuẩn nặng do vi khuẩn Gram âm.

1. Thuốc Ticarcilin 1g công dụng điều trị bệnh gì?

Thuốc Ticarcilin 1g có công dụng trong điều trị nhiễm khuẩn nặng nguyên nhân do vi khuẩn Gram âm, đặc biệt là nhiễm khuẩn do vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa, bao gồm:

  • Điều trị bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới nguyên nhân do xơ hóa nang;
  • Người bệnh sốt có giảm số lượng bạch cầu hạt ở người suy giảm miễn dịch (điều trị theo kinh nghiệm);
  • Trị iêm màng bụng;
  • Điều trị nhiễm khuẩn máu;
  • Chữa nhiễm khuẩn xương và khớp;
  • Điều trị viêm màng não;
  • Điều trị viêm tai giữa mãn tính;
  • Trị nhiễm khuẩn da như bỏng, chốc loét gây hoại tử, ung nhọt;
  • Điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

2. Cách dùng và liều dùng của thuốc Ticarcilin 1g

2.1. Liều dùng của thuốc Ticarcilin 1g

Đối với người lớn

  • Liều dùng chống nhiễm khuẩn: Tiêm truyền tĩnh mạch, 200 – 300 mg/kg/ngày, chia làm nhiều liều nhỏ, cứ 4 – 6 giờ/lần.
  • Liều điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu có biến chứng: Tiêm truyền tĩnh mạch, 150 – 200 mg/kg/ngày, chia làm nhiều liều nhỏ, cách 4 đến 6 giờ/lần.
  • Liều điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu không có biến chứng: Tiêm bắp hoặc tĩnh mạch chậm, 1g, cứ 6 giờ/lần.
  • Ticarcilin thường kết hợp với acid clavulanic với tỉ lệ 15 : 1 hay tỷ lệ 30 : 1. Liều dùng của dạng kết hợp dành cho người lớn: Truyền tĩnh mạch 3,2 g, cách 6 – 8 giờ/1 lần, đối với nhiễm khuẩn nặng có thể truyền 4 giờ/1 lần.

Đối với trẻ em

  • Trẻ sơ sinh cân nặng lúc sinh
  • Trẻ sơ sinh 2kg và trẻ ≥ 1 tuần tuổi có cân nặng lúc sinh từ 1,2 – 2kg: liều dùng 75 mg/kg, cách 8 giờ/ 1 lần.
  • Trẻ sơ sinh ≥ 1 tuần tuổi có cân nặng lúc sinh > 2kg: liều dùng 100 mg/kg, cách 8 giờ /1 lần.
  • Trẻ ≥ 1 tháng tuổi: liều dùng 100 – 200 mg/kg/ngày, chia làm 4 liều nhỏ, đối với nhiễm khuẩn nặng có thể dùng tới 300 mg/kg/ngày.
  • Trẻ em từ 1 tháng tuổi – 18 tuổi, dưới 40 kg thể trọng: Tiêm truyền tĩnh mạch, với liều dùng 80 mg/kg, cách 8 giờ/1 lần, đối với nhiễm khuẩn nặng có thể truyền 6 giờ/1 lần.
  • Trẻ em ≤ 18 tuổi và cân nặng ≥ 40 kg: liều dùng là 3,2 g, cách 6 – 8 giờ/lần, trong trường hợp nặng có thể tăng tới 4 giờ/lần.

2.2. Cách dùng thuốc Ticarcilin 1g

  • Ticarcilin 1g được tiêm tĩnh mạch chậm, truyền tĩnh mạch hoặc tiêm bắp sâu. Để điều trị các nhiễm khuẩn nặng, tiêm thuốc theo đường dùng tĩnh mạch tốt hơn là tiêm bắp. Đường dùng là tiêm bắp để điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu không biến chứng.
  • Để pha dung dịch ban đầu dùng tiêm bắp, cho thêm 2 ml nước vô khuẩn để tiêm, hoặc thuốc tiêm 1% lidocain hydroclorid (không có epinephrin), hoặc thuốc tiêm 0,9% natri clorid vào lọ 1g để có nồng độ 1 g trong 2,6 ml.
  • Để pha dung dịch ban đầu dùng tiêm tĩnh mạch trực tiếp, cho thêm ít nhất 4 ml thuốc tiêm dextrose 5%, hoặc natri clorid 0,9%, hoặc Ringer lactat vào lọ 1 g. Mỗi gam thuốc Ticarcilin có thể được pha loãng thêm nếu muốn.
  • Để tránh kích ứng tĩnh mạch, tiêm Ticarcilin 1g càng chậm càng tốt và dùng các dung dịch chứa 5 mg/ml hoặc ít hơn. Bác sĩ điều trị có thể chỉ định tiêm truyền cách quãng trong thời gian 30 phút đến 2 giờ ở người lớn. Đối với trẻ sơ sinh, có thể tiêm truyền cách quãng trong thời gian 10 – 20 phút.

2.3. Trường hợp quá liều thuốc Ticarcilin 1g và xử trí

  • Cũng như các penicilin khác, phản ứng độc thần kinh có thể phát sinh khi dùng thuốc Ticarcillin liều điều trị rất cao, đặc biệt đối với những người bị suy giảm chức năng thận.
  • Các triệu chứng của quá liều thuốc Ticarcilin 1g có thể bao gồm tăng cảm giác buồn ngủ, tăng động hoặc co giật.
  • Cách xử trí: Vì không có thuốc giải độc đặc hiệu, nên khi quá liều, bác sĩ chỉ điều trị triệu chứng và hỗ trợ. Thẩm tách máu có thể giúp loại bỏ Ticarcilin ra khỏi máu.

3. Tác dụng không mong muốn của thuốc Ticarcilin 1g

Trong quá trình điều trị với thuốc Ticarcilin 1g, bạn có thể gặp các tác dụng không mong muốn tương tự như tác dụng phụ đã xảy ra với những thuốc Penicillin phổ rộng khác.

  • Đối với hệ thần kinh trung ương: Co giật, lú lẫn, ngủ lơ mơ, sốt.
  • Đối với da: Xuất hiện ban đỏ trên da
  • Đối với hệ nội tiết và chuyển hóa: Mất cân bằng điện giải.
  • Đối với máu: Thiếu máu tan máu, phản ứng Coombs dương tính.
  • Phản ứng tại chỗ: Viêm tĩnh mạch kèm huyết khối.
  • Đối với thần kinh cơ và xương: Giật rung cơ.
  • Đối với thận: Viêm thận kẽ cấp tính.
  • Các tác dụng phụ khác: Phản ứng quá mẫn, phản ứng phản vệ, phản ứng Jarish – Herxheimer.

4. Tương tác của thuốc Ticarcilin 1g

4.1. Tương tác thuốc Ticarcilin 1g với các thuốc khác

  • Các tetracyclin có thể làm giảm hiệu lực của các penicilin, cụ thể là thuốc Ticarcilin 1g.
  • Các thuốc tránh thụ thai uống bị giảm hiệu lực khi dùng đồng thời với Ticarcilin 1g. Probenecid có thể làm tăng nồng độ trong huyết thanh, kéo dài nửa đời và làm tăng nguy cơ gây độc của thuốc này.
  • Việc sử dụng đồng thời liều lớn tiêm tĩnh mạch thuốc Ticarcilin 1g với các thuốc chống đông, hoặc thuốc ức chế kết tụ tiểu cầu, hoặc thuốc tan huyết khối có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.

4.2. Tương kỵ của thuốc Ticarcilin 1g

Sử dụng đồng thời thuốc Ticarcilin 1g với các aminoglycosid có thể dẫn đến sự bất hoạt của chúng. Nếu dùng đồng thời những thuốc này, phải tiêm vào những chỗ khác nhau và cách nhau ít nhất 1 giờ. Không trộn lẫn các thuốc này trong cùng một túi, lọ, hoặc ống.

5. Một số chú ý khi sử dụng thuốc Ticarcilin 1g

  • Thuốc Ticarcilin 1g có khả năng gây độc và gây dị ứng của các thuốc thuộc nhóm penicilin, kể cả nguy cơ gây phản ứng quá mẫn. Trước khi bắt đầu điều trị bằng thuốc Ticarcilin 1g, bác sĩ điều trị thường khai thác thông tin về phản ứng quá mẫn với penicilin, cephalosporin, hoặc các thuốc khác sử dụng trước đây.
  • Trong quá trình sử dụng thuốc, bác sĩ điều trị thường chỉ định đánh giá định kỳ chức năng thận, gan và máu; theo dõi các chất điện giải trong huyết thanh và tình trạng tim. Phải cân nhắc về khả năng có biến chứng chảy máu trong khi điều trị, đặc biệt khi sử dụng thuốc Ticarcilin 1g với người suy thận hoặc có tiền sử rối loạn chảy máu.
  • Không dùng cho trẻ sơ sinh dung dịch thuốc Ticarcilin 1g đã pha để tiêm bắp bằng dung môi có chứa chất bảo quản benzyl alcohol. Nguyễn Nhungiệc sử dụng thuốc tiêm bảo quản bằng benzyl alcohol gây độc hại nghiêm trọng trên hệ thần kinh trung ương ở trẻ sơ sinh.
  • Đối với những người suy tim sung huyết, tăng huyết áp hay suy thận cần hạn chế muối, phải lưu ý đến lượng natri chứa trong liều cao thuốc Ticarcilin 1g.
  • Đối với phụ nữ đang mang thai: Thuốc Ticarcilin 1g qua hàng rào nhau thai. Cho tới nay chưa có những nghiên cứu đầy đủ hoặc có kiểm chứng về việc dùng Ticarcilin 1g ở người mang thai, vì vậy chỉ sử dụng thuốc này cho người mang thai khi thật cần thiết.
  • Sử dụng thận trọng thuốc Ticarcilin 1g đối với những người mẹ cho con bú. Nguyên nhân là do việc sử dụng thuốc có thể gây tăng nguy cơ quá mẫn, bệnh nấm Candida và xuất hiện ban da đối với đối tượng là trẻ nhỏ.
  • Hiện nay vẫn chưa có dữ liệu cho thấy thuốc Ticarcilin 1g ảnh hưởng đến khả năng lái xe hoặc sử dụng máy móc.

Trên đây là toàn bộ thông tin về Ticarcilin, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi sử dụng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc Telanhis để điều trị bệnh tại nhà, vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn đến sức khỏe.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-ticarcilin-1g/

Công dụng thuốc Adalat 20 mg Previous post Công dụng thuốc Adalat 20 mg
Công dụng thuốc Janumet XR 50mg Next post Công dụng thuốc Janumet XR 50mg