Công dụng thuốc Ravonol

Công dụng thuốc Ravonol

Thuốc Ravonol là nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm không steroid. Sau đây là những thông tin về công dụng, liều dùng, lưu ý khi sử dụng thuốc Ravonol.

1. Thuốc Ravonol có công dụng gì?

Thuốc Ravonol có thành phần chính là Paracetamol, Loratadin và Dextromethorphan hydrobromid, được bào chế dưới dạng viên nén sủi bọt.

Công dụng của thuốc Ravonol:

  • Thành phần Paracetamol có tác dụng giảm đau, hạ sốt thông qua việc ức chế enzym cyclooxygenase (COX) của hệ thần kinh trung ương, làm giảm tổng hợp prostaglandin;
  • Thành phần Loratadin là thuốc kháng histamin 3 vòng, có tác dụng ngăn chặn sự giải phóng histamin, thông qua đó làm giảm triệu chứng của viêm mũi dị ứng, giảm thiểu tình trạng ngứa và nổi mày đay;
  • Thành phần Dextromethorphan hydrobromid có tác dụng trị ho, ức chế trung tâm ho ở hành não khi xuất hiện những kích thích nhẹ ở đường hô hấp trên như cảm lạnh hoặc hít phải dị nguyên.

Chỉ định sử dụng:

Ravonol được chỉ định sử dụng trong các trường hợp có triệu chứng của bệnh cảm cúm như:

  • Sốt;
  • Nhức đầu;
  • Đau nhức mỏi cơ xương khớp;
  • Bị ho;
  • Nghẹt mũi;
  • Hắt hơi;
  • Chảy nước mắt, nước mũi.

2. Liều dùng & Cách dùng thuốc Ravonol

Cách dùng: Thuốc Ravonol được đưa vào cơ thể thông qua đường uống, bằng cách thả viên sủi vào nước đun sôi để nguội cho đến khi viên hòa tan hết trong nước thì người bệnh sẽ uống trực tiếp dung dịch.

Liều dùng: Người bệnh dùng thuốc Ravonol từ 3 – 4 lần/ ngày với liều lượng được khuyến cáo như sau:

  • Trẻ em từ 3 – 6 tuổi: Dùng 1/2 viên sủi Ravonol/ lần uống;
  • Trẻ em từ 7 – 12 tuổi: Dùng 1/2 – 1 viên sủi Ravonol/ lần uống;
  • Người lớn: Dùng 1 – 2 viên sủi Ravonol/ lần uống.

3. Lưu ý khi sử dụng thuốc Ravonol

Chống chỉ định:

Thuốc Ravonol không được khuyến cáo sử dụng trong những trường hợp sau đây:

  • Người bị dị ứng hoặc quá mẫn với bất cứ thành phần nào có trong thuốc;
  • Người bị thiếu hụt men G6DP;
  • Người đang sử dụng thuốc IMAO;
  • Người mắc suy giảm chức năng gan nặng;
  • Trẻ em dưới 3 tuổi.

Tác dụng phụ:

Đã có những báo cáo ghi nhận người dùng thuốc Ravonol và gặp một số tác dụng phụ như mệt mỏi, chóng mặt, nổi mẩn đỏ trên da, phát ban trên da, buồn nôn, miệng bị khô, nhịp tim nhanh,…

Trong quá trình sử dụng thuốc, nếu người bệnh gặp các triệu chứng trên hoặc bất cứ dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe thì nên báo cho bác sĩ để được tư vấn giảm liều hoặc có hướng dẫn phù hợp.

Thận trọng:

Nếu thấy những triệu chứng bất thường xuất hiện trên da khi dùng thuốc Ravonol thì cần thật thận trọng, bởi những phản ứng phụ trên da mặc dù tỷ lệ mắc là không cao nhưng tương đối nghiêm trọng nếu gặp phải.

Hạn chế tối đa uống bia rượu trong quá trình sử dụng thuốc Ravonol.

Hiện chưa có nghiên cứu cụ thể về tác động của thuốc trên sức khỏe của phụ nữ mang thai, đang nuôi con bằng sữa mẹ và thai nhi. Cần thận trọng khi dùng thuốc cho những đối tượng này và cần hỏi ý kiến bác sĩ kỹ lưỡng khi sử dụng.

Thuốc Ravonol không gây ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc, tuy nhiên vì tác dụng phụ của thuốc là gây chóng mặt, vì vậy, cần lưu ý khi dùng thuốc.

Xử lý quá liều và quên liều:

Sử dụng thuốc Ravonol quá liều, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như nôn mửa, ăn không ngon miệng, đau bụng, độc với gan, thậm chí là hôn mê.

Trường hợp khẩn cấp, người nhà bệnh nhân cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ y tế kịp thời.

Trường hợp quên liều thì người bệnh nên bổ sung càng sớm càng tốt, tuy nhiên, nếu gần thời gian uống liều tiếp theo thì nên bỏ qua và uống liều tiếp theo. Không nên uống gấp đôi liều được chỉ định.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-ravonol/

Công dụng thuốc Bisbeta 120 Previous post Công dụng thuốc Bisbeta 120
Công dụng thuốc Balarat Next post Công dụng thuốc Balarat