Công dụng thuốc Pyfloxat

Công dụng thuốc Pyfloxat

Thuốc Pyfloxat thường được dùng chủ yếu để điều trị các tình trạng nhiễm khuẩn nghiêm trọng, chẳng hạn như viêm đường tiết niệu, viêm đường hô hấp, viêm da, viêm phổi,… Nhằm giúp các hoạt chất trong thuốc Pyfloxat phát huy công dụng tối đa, bệnh nhân cần sử dụng thuốc theo đúng kế hoạch mà bác sĩ có chuyên môn đã khuyến nghị.

1. Thuốc Pyfloxat là thuốc gì?

Thuốc Pyfloxat là thuốc kháng sinh điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn nặng, chẳng hạn như viêm phổi, viêm đường hô hấp, viêm đường tiết niệu,… Thuốc được bào chế viên nén bao phim, đóng gói theo quy cách hộp 10 vỉ x 10 viên.

Trong mỗi viên nén Pyfloxat có chứa hoạt chất chính là Ofloxacin với hàm lượng 200mg cùng các tá dược khác vừa đủ. Thành phần Ofloxacin trong thuốc thuộc nhóm kháng sinh Fluoroquinolon, có công dụng diệt khuẩn hiệu quả. Hoạt chất này giúp ức chế enzym DNA-gyrase, ngăn chặn sự nhân đôi và sao chép DNA của vi khuẩn, dẫn đến chết vi khuẩn.

Thành phần Ofloxacin của thuốc Pyfloxat có phổ kháng khuẩn rộng, bao gồm Staphylococcus, Enterobacteriaceae, H. influenzae, P. aeruginosa, S. pneumoniae, Neisseria spp và một vài chủng vi khuẩn Gram dương khác.

2. Thuốc Pyfloxat có tác dụng gì?

2.1 Chỉ định sử dụng thuốc Pyfloxat

Do thành phần hoạt chất Ofloxacin có công dụng diệt khuẩn cho nên thuốc Pyfloxat thường được bác sĩ kê đơn cho một số trường hợp dưới đây:

  • Điều trị viêm đại tràng.
  • Điều trị viêm phế quản mức độ nặng do vi khuẩn.
  • Điều trị viêm phổi.
  • Điều trị nhiễm khuẩn da và mô mềm.
  • Điều trị bệnh lậu không biến chứng.
  • Điều trị viêm tuyến tiền liệt, nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
  • Điều trị nhiễm chủng Chlamydia tại niệu đạo và cổ tử cung có hoặc không kèm theo lậu.

2.2 Chống chỉ định sử dụng thuốc Pyfloxat

Không sử dụng thuốc Pyfloxat cho các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân bị dị ứng hoặc phản ứng quá mẫn với hoạt chất Ofloxacin hay bất kỳ thành phần dược chất nào khác trong thuốc.
  • Chống chỉ định Pyfloxat cho bệnh nhân dưới 18 tuổi.
  • Chống chỉ định tương đối thuốc Pyfloxat cho thai phụ hoặc bà mẹ nuôi con bú.
  • Không nên dùng thuốc Pyfloxat cho đối tượng bị thiếu hụt Glucose-6-Phosphate Dehydrogenase.
  • Chống chỉ định sử dụng thuốc Pyfloxat cho người có tiền sử mắc bệnh gan do dùng thuốc kháng sinh nhóm Fluoroquinolon

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Pyfloxat

3.1 Liều dùng thuốc Pyfloxat theo khuyến cáo bác sĩ

Bệnh nhân có thể tham khảo liều dùng thuốc Pyfloxat theo khuyến cáo dưới đây: Liều khuyến cáo chung dành cho người lớn:

  • Nhiễm Chlamydia ở niệu đạo và cổ tử cung: Uống 300mg / lần, ngày dùng 2 lần và liên tiếp trong vòng 7 ngày.
  • Viêm phế quản, viêm phổi, nhiễm khuẩn da hoặc mô mềm: Uống 2 viên / lần, dùng 2 lần / ngày và liên tiếp trong vòng 10 ngày.
  • Lậu không có biến chứng: Uống liều duy nhất 2 viên Pyfloxat.
  • Viêm tuyến tiền liệt: Uống 300mg / lần, ngày dùng 2 lần và liên tục trong vòng 6 tuần.
  • Viêm bàng quang bởi vi khuẩn K. pneumoniae hoặc E.Coli: Uống 1 viên / lần, ngày dùng 2 lần và liên tục trong vòng 7 ngày.
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu kèm biến chứng: Uống 1 viên / lần, ngày dùng 2 lần và liên tục trong vòng 10 ngày.

Liều khuyến cáo cho bệnh nhân bị suy giảm chức năng thận:

Liều thuốc Pyfloxat dành cho đối tượng bệnh nhân này sẽ được xác định dựa trên độ thanh thải creatinin (ml / phút), cụ thể:

  • Độ thanh thải trên 50: Dùng như liều khuyến cáo chung dành cho người lớn và uống cách các liều sau mỗi 12 giờ.
  • Độ thanh thải từ 10 – 50: Không thay đổi liều, uống cách các liều sau mỗi 24 giờ.
  • Độ thanh thải dưới 10: Dùng 1/2 so với liều thông thường, uống cách các liều sau mỗi 12 giờ.

Liều khuyến cáo cho bệnh nhân bị xơ gan:

Những người bị xơ gan khi điều trị nhiễm khuẩn nặng nên dùng liều Pyfloxat theo chỉ định riêng của bác sĩ, tuy nhiên cần tránh uống vượt quá 2 viên / ngày.

3.2 Hướng dẫn sử dụng thuốc Pyfloxat

Thuốc Pyfloxat được bào chế dưới dạng viên nén nên thuốc sẽ được dùng bằng đường uống. Khi uống thuốc, người bệnh nên nuốt trọn cả viên cùng với cốc nước đầy. Thời điểm uống Pyfloxat phù hợp nhất là lúc đói bụng và không dùng kèm với thức ăn.

3.3 Cách xử trí quá liều thuốc Pyfloxat

Trong trường hợp uống quá liều thuốc Pyfloxat và gặp phải một số triệu chứng đáng chú ý, người bệnh cần dừng điều trị và báo cho bác sĩ để có cách xử trí. Hiện nay, việc điều trị quá liều thuốc Pyfloxat thường bao gồm phương pháp rửa dạ dày, gây nôn, duy trì hydrat hoá cho bệnh nhân. Nếu xuất hiện triệu chứng quá liều nghiêm trọng, bác sĩ sẽ tiến hành phương pháp thẩm phân phúc mạc hoặc máu.

4. Những tác dụng phụ có nguy cơ xảy ra khi sử dụng Pyfloxat

Mặc dù thuốc Pyfloxat có thể mang lại công dụng điều trị nhiễm khuẩn hiệu quả, tuy nhiên trong một số trường hợp nhất định, thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ ngoài ý muốn cho người bệnh, bao gồm:

  • Tác dụng phụ thường gặp: Buồn nôn, ói mửa, đau bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hoá, đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt, mất ngủ, run, rối loạn thị giác, ác mộng, ngứa, phát ban, phản ứng da quá mẫn, viêm âm đạo, đau cơ khớp, nhức mỏi.
  • Tác dụng phụ hiếm gặp: Co giật, ảo giác, phản ứng loạn thần, hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử nhiễm độc da, viêm mạch, viêm đại tràng giả mạc, nhiễm độc quang, nhạy cảm với ánh sáng hoặc trầm cảm.

Bệnh nhân tiểu đường hoặc có tiền sử mắc căn bệnh này khi dùng thuốc Pyfloxat có thể xảy ra tình trạng hạ đường huyết nghiêm trọng. Đối với trường hợp này, người bệnh cần ngừng điều trị bằng thuốc Pyfloxat và đến ngay cơ sở y tế để được chữa trị.

5. Cần lưu ý điều gì khi dùng thuốc Pyfloxat?

5.1 Những điều cần thận trọng trong quá trình sử dụng thuốc Pyfloxat

Dưới đây là một số điều mà người bệnh cần hết sức cẩn trọng trong quá trình điều trị nhiễm khuẩn nặng bằng thuốc Pyfloxat, bao gồm:

  • Thận trọng khi dùng Pyfloxat cho các bệnh nhân lớn tuổi, người bị suy gan hoặc suy giảm chức năng thận.
  • Lưu ý nếu xảy ra tác dụng phụ viêm gân (hiếm gặp) vì có thể dẫn đến tình trạng đứt gân.
  • Trong thời gian sử dụng thuốc Pyfloxat cần tránh hoặc hạn chế tối đa tiếp xúc với tia UV.
  • Thuốc Pyfloxat có thể truyền sang trẻ qua nhau thai và vào sữa mẹ, dễ dẫn đến những bệnh về sụn và khớp. Vì vậy, phụ nữ đang mang thai hay đang nuôi con bú cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định điều trị bằng Pyfloxat.
  • Một số tác dụng phụ của Pyfloxat như chóng mặt, mệt mỏi,… có thể gây ảnh hưởng xấu đến khả năng lái xe và vận hành thiết bị máy móc của người bệnh.
  • Bảo quản thuốc ở nhiệt độ dưới 30 độ C, tránh tiếp xúc với ánh sáng trực tiếp và cần để xa tầm tay của trẻ nhỏ.
  • Kiểm tra kỹ hạn sử dụng và chất lượng của viên thuốc, nếu phát hiện đã quá hạn hay biến đổi kết cấu và màu sắc thuốc, người bệnh cần ngừng sử dụng ngay.

5.2 Tương tác của thuốc Pyfloxat với các thuốc khác

Khi dùng thuốc Pyfloxat kết hợp với những loại thực phẩm hoặc dược phẩm không phù hợp có thể dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn. Do vậy, trước khi điều trị bằng Pyfloxat, người bệnh nên tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ có chuyên môn. Bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên hữu ích cho bệnh nhân về thời gian dùng thuốc cũng như cách tránh xảy ra tương tác giữa các thuốc.

Theo báo cáo cho thấy, thuốc Pyfloxat có nguy cơ xảy ra tương tác với các thuốc sau:

  • Thuốc Theophylin bị tăng nồng độ trong huyết thanh khi dùng chung với Pyfloxat.
  • Các muối khoáng, chất kháng axit chứa aluminium, calcium, magnesium sucralfat hoặc vitamin chứa sắt khi phối hợp với Pyfloxat sẽ làm giảm hấp thu Ofloxacin. Nếu cần thiết phải sử dụng những thuốc này, bệnh nhân nên dùng cách các thuốc tối thiểu 2 giờ.
  • Thuốc Warfarin hoặc Cyclosporin.
  • Thuốc chống viêm không steroid dùng chung với Ofloxacin dễ làm tăng kích thích trên hệ thần kinh trung ương.
  • Thuốc điều trị tiểu đường.

Những thông tin trên đây chia sẻ về công dụng thuốc Pyfloxat, hy vọng sẽ giúp bạn hiểu và biết cách sử dụng sao cho đúng, hiệu quả và an toàn cho sức khỏe. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc gì có thể trao đổi cùng bác sĩ nhằm có những chỉ định phù hợp.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-pyfloxat/

Công dụng thuốc Etivas 10 Previous post Công dụng thuốc Etivas 10
Zaclid có tác dụng gì? Next post Zaclid có tác dụng gì?