Công dụng thuốc Pasoxime 1g

Công dụng thuốc Pasoxime 1g

Thuốc Pasoxime thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus, kháng nấm. Thuốc dùng để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn nặng bao gồm nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn da và mô mềm, nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương. Vậy Pasoxime là thuốc gì và được sử dụng như thế nào?

1. Pasoxime là thuốc gì?

Pasoxime có chứa thành phần chính là hoạt chất Natri Cefotaxim tương đương với cefotaxim 1g. Thuốc được bào chế cho người sử dụng dưới dạng bột tiêm và được đóng gói dưới dạng hộp, mỗi hộp gồm 1 lọ x 1g Cefotaxim.

2. Công dụng của thuốc Pasoxime

Pasoxime 1g được chỉ định điều trị các bệnh nhiễm khuẩn nặng do vi khuẩn nhạy cảm với cefotaxime bao gồm:

  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu sinh dục
  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp
  • Nhiễm khuẩn da và mô mềm
  • Nhiễm khuẩn xương khớp
  • Người bệnh bị nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương như viêm màng não ( trừ viêm màng não do Listeria monocytogenes), nhiễm khuẩn huyết, viêm màng trong tim, áp xe não.
  • Bệnh lậu, thương hàn
  • Nhiễm khuẩn nặng trong ổ bụng ( phối hợp với metronidazol)
  • Dự phòng nhiễm khuẩn sau mổ

3. Liều dùng và cách sử dụng thuốc Pasoxime

3.1. Cách dùng

Thuốc được sử dụng theo đường tiêm bắp sâu, truyền tĩnh mạch chậm trong vòng từ 20 đến 60 phút hay tiêm tĩnh mạch chậm từ 3-5 phút. Trước khi tiêm cần pha thuốc với 5ml nước cất pha tiêm, lắc kỹ cho tan hoặc pha vào dung dịch truyền tĩnh mạch, thuốc pha xong tiến hành tiêm ngay.

3.2. Liều dùng

Liều lượng và đường sử dụng thuốc tùy theo loại vi khuẩn nhạy cảm, độ nặng của tình trạng nhiễm khuẩn và tình trạng của bệnh nhân. Người dùng có thể tham khảo liều lượng sử dụng thuốc như sau:

Người lớn: Liều tối đa 1 ngày không quá 12g

  • Liều dùng thông thường: 3-6g, chia làm 2 hoặc 3 lần.
  • Trong trường hợp nhiễm khuẩn nặng có thể tăng liều dùng lên đến 12g mỗi ngày, truyền tĩnh mạch chia làm 3-6 lần.
  • Đối với nhiễm khuẩn mủ xanh ( Pseudomonas aeruginosa): trên 6g mỗi ngày.
  • Điều trị bệnh lậu: Dùng một liều duy nhất 1g tiêm bắp.
  • Nhiễm khuẩn không biến chứng: dùng liều 1g mỗi 12 giờ tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch.

Bệnh nhân là trẻ em sơ sinh cho tới 1 tháng tuổi:

  • Từ 0 – 1 tuần tuổi: 50mg/ kg thể trọng tiêm tĩnh mạch, dùng mỗi 12 giờ.
  • Từ 1 – 4 tuần tuổi: 50mg/ kg thể trọng tiêm tĩnh mạch, dùng mỗi 8 giờ.

Bệnh nhân là trẻ em từ 1 tháng tuổi đến 12 tuổi:

  • Cân nặng nhỏ hơn 50kg: 100 – 180 mg/ kg thể trọng/ ngày tiêm tĩnh mạch hay tiêm bắp, chia làm 4 hoặc 6 liều. Trường hợp nhiễm khuẩn nặng như viêm màng não, liều dùng có thể tăng lên tối đa 200mg/kg thể trọng/ ngày, chia làm 4 lần.
  • Cân nặng từ 50kg trở lên: dùng liều thông thường, không quá 12g.

Dự phòng nhiễm khuẩn trong phẫu thuật:

  • Trước khi phẫu thuật 30 – 90 phút, tiêm liều 1g.
  • Trong trường hợp mổ đẻ thì tiêm vào tĩnh mạch cho người mẹ ngay sau khi kẹp cuống rau liều 1g và tiêm thêm vào bắp thịt hoặc tĩnh mạch 2 liều nữa sau 6 – 12 giờ.

Lưu ý: Người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ điều trị để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả tốt nhất.

3.3. Quá liều và cách xử trí

  • Nếu trong khi điều trị, người bệnh bị tiêu chảy nặng hoặc kéo dài, có thể đây là triệu chứng của viêm đại tràng có màng giả, là một rối loạn tiêu hóa nặng. Cần phải ngừng sử dụng cefotaxim ngay lập tức và thay thế bằng một kháng sinh có tác dụng trị viêm đại tràng do C. Difficile.
  • Nếu có triệu chứng ngộ độc cần ngay lập tức ngừng sử dụng thuốc và đưa người bệnh đến bệnh viện để điều trị. Có thể giảm nồng độ thuốc trong máu bằng cách tiến hành thẩm tách màng bụng hay lọc máu.

4. Tác dụng phụ khi dùng thuốc Pasoxime

Các triệu chứng thường gặp:

  • Ỉa chảy
  • Viêm tắc tĩnh mạch tại chỗ tiêm
  • Đau hoặc viêm ở chỗ tiêm bắp

Các triệu chứng ít gặp:

  • Giảm bạch cầu ưa eosin
  • Làm cho test Coombs dương tính do giảm bạch cầu nói chung
  • Có thể bị bội nhiễm do vi khuẩn kháng thuốc, thay đổi vi khuẩn chí ở ruột

Các triệu chứng hiếm gặp:

  • Sốc phản vệ
  • Giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu hạt
  • Thiếu máu, tan máu
  • Viêm đại tràng màng giả
  • Tăng các enzym của gan và bilirubin trong huyết tương

Khi xuất hiện các triệu chứng bất thường hay các tác dụng không mong muốn như trên, cần ngay lập tức ngưng sử dụng thuốc, thông báo cho bác sĩ để được chẩn đoán tình trạng và có biện pháp xử lý kịp thời.

5. Tương tác thuốc Pasoxime

Một số tương tác thuốc Pasoxime gồm:

  • Dùng phối hợp kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin với colistin có thể tăng nguy cơ làm tổn thương thận.
  • Người bệnh suy thận có thể bị bệnh về não và bị cơn động kinh cục bộ khi sử dụng đồng thời cefotaxim và azlocillin.
  • Khi dùng đồng thời Cefotaxim và các ureido-penicillin sẽ làm giảm độ thanh thải cefotaxim ở người bệnh có chức năng thận bình thường cùng như người bệnh bị suy chức năng thận. Do đó, cần phải giảm liều lượng cefotaxim nếu dùng kết hợp các thuốc đó.
  • Cefotaxim làm cyclosporin tăng tác dụng độc với thận.

6. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Pasoxime

  • Trước khi điều trị bằng cefotaxim, phải điều tra kỹ về tiền sử dị ứng của người bệnh với cephalosporin, penicillin hoặc các thành phần khác của thuốc.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc cho người bị dị ứng với penicillin.
  • Nếu sử dụng đồng thời thuốc có khả năng gây độc đối với thận ( như các aminoglycosid) cần phải theo dõi kiểm tra chức năng thận.
  • Phụ nữ có thai và cho con bú cần cẩn trọng khi sử dụng thuốc.

Hy vọng với những thông tin chia sẻ về công dụng, cách dùng và một số lưu ý cần thiết về thuốc Pasoxime sẽ giúp cho người dùng hiểu và sử dụng thuốc một cách an toàn.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-pasoxime-1g/

Công dụng thuốc Apharmcetam Previous post Công dụng thuốc Apharmcetam
Công dụng thuốc Aurocefa Next post Công dụng thuốc Aurocefa