Công dụng thuốc Klonaxol

Công dụng thuốc Klonaxol

Thuốc Klonaxol là thuốc trị ký sinh trùng, kháng virus và chống nhiễm khuẩn. Thành phần chính có trong thuốc là hoạt chất Cefoperazone. Vậy cần có những lưu ý gì khi sử dụng thuốc Klonaxol? Hãy cùng tìm hiểu thông tin về thuốc Klonaxol qua bài viết dưới đây.

1. Thuốc Klonaxol là thuốc gì?

Thuốc Klonaxol thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus và kháng nấm. Thuốc được chỉ định để điều trị cho bệnh nhân nhiễm khuẩn do virus hoặc vi khuẩn tấn công.

Klonaxol chứa thành phần chính là hoạt chất Cefoperazone 1g (dưới dạng Cefoperazone natri), được bào chế dưới dạng bột pha tiêm, truyền. Quy cách đóng gói dạng hộp gồm 1 lọ, 10 lọ.

2. Thuốc Klonaxol có tác dụng gì?

Thuốc Klonaxol có tác dụng gì? Hoạt chất chính Cefoperazone có trong thành phần thuốc Klonaxol là kháng sinh nhóm Cephalosporin thế hệ thứ ba. Chất này có tác dụng chống các vi khuẩn nhạy cảm trong giai đoạn hoạt động nhân đôi, ức chế sự sinh tổng hợp mucopeptid của thành tế bào. Cefoperazone có hoạt tính mạnh trên phổ rộng của vi khuẩn gram âm (-).

Thuốc Klonaxol được chỉ định dùng để điều trị các nhiễm khuẩn do các vi khuẩn nhạy thuốc sau đây:

  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp bao gồm nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và dưới.
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu (trên và dưới). Viêm màng bụng, viêm túi mật, viêm đường dẫn mật và các nhiễm khuẩn ổ bụng khác.
  • Viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não mủ.
  • Nhiễm khuẩn da, mô mềm. Nhiễm khuẩn xương và khớp. Bệnh viêm nhiễm vùng chậu, viêm nội mạc tử cung, lậu và các nhiễm khuẩn đường sinh dục khác.
  • Cefoperazone có thể chỉ định để điều trị dự phòng nhiễm khuẩn sau mổ trên bệnh nhân phẫu thuật và phụ khoa, phẫu thuật tim mạch và chỉnh hình.

3. Cách sử dụng thuốc Klonaxol

3.1. Cách sử dụng thuốc Klonaxol:

Đối với Klonaxol, người bệnh sử dụng bằng đường tiêm tĩnh mạch.

Công thức pha thuốc cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn sử dụng và chỉ dẫn của bác sĩ điều trị. Mỗi lọ Cefoperazone chứa 1 hoặc 2g phải được pha loãng trong một thể tích từ 20 đến 100 ml dung dịch truyền tĩnh mạch vô khuẩn tương hợp và được truyền nhỏ giọt từ 15 phút đến 1 giờ. Nếu chọn dung môi là nước cất vô khuẩn thì không được cho quá 20 ml dung dịch vào lọ.

3.2. Liều dùng thuốc Klonaxol

Liều dùng thay đổi tùy theo mức độ nghiêm trọng của nhiễm khuẩn và tình trạng sức khỏe chung của bệnh nhân. Liều dùng cho từng chỉ định như sau:

  • Người lớn: Khuyến cáo liều dùng cho nhiễm khuẩn nhẹ đến trung bình 1-2g/12 giờ. Trường hợp nhiễm khuẩn nặng 4g/12 giờ.
  • Người lớn bị viêm niệu đạo do lậu cầu khuẩn không biến chứng: 500mg, dùng liều duy nhất.
  • Sơ sinh và trẻ em: 50 – 200mg/kg/ngày, chia 2 – 4 lần. Bệnh nhân viêm màng não có thể tăng lên 300mg/kg/ngày, chia 2 – 4 lần.
  • Bệnh nhân suy thận: Khuyến cáo liều dùng tối đa 4g/ngày.

Những thông tin về liều lượng sử dụng chỉ mang tính chất tham khảo. Để có thể sử dụng một cách chính xác nhất, người bệnh cần tham khảo chỉ dẫn của dược sĩ chuyên môn hoặc bác sĩ điều trị.

3.3. Cách xử trí khi quá liều

Quá liều: Đối với quá liều thuốc Klonaxol, các tài liệu cho thấy không có thuốc giải độc đặc hiệu, điều trị trong trường hợp quá liều là điều trị triệu chứng. Nếu xảy ra bất kỳ sự cố quá liều hoặc ngộ độc, cần thông báo ngay cho bác sĩ hoặc tìm đến bệnh viện hoặc trung tâm phòng chống độc gần nhất. Người nhà nên mang theo sổ khám bệnh, bao gồm tất cả toa thuốc đã và đang sử dụng để bác sĩ có thể nhanh chóng chẩn đoán và điều trị.

3.4. Chống chỉ định thuốc Klonaxol:

Chống chỉ định thuốc Klonaxol trong các trường hợp dưới đây:

  • Các trường hợp bệnh nhân quá mẫn cảm với hoạt chất Cefoperazone, hoặc tiền sử bị dị ứng với nhóm kháng sinh Cephalosporin.
  • Nên cẩn thận đánh giá và so sánh lợi ích/nguy cơ trong trường hợp có các vấn đề sau đây: Rối loạn xuất huyết, bệnh đường tiêu hóa, đặc biệt là viêm loét đại tràng, viêm ruột vùng, bệnh gan.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Klonaxol

4.1. Lưu ý đặc biệt và thận trọng khi sử dùng Klonaxol

  • Trên bệnh nhân mẫn cảm với penicilin: Nếu xảy ra phản ứng dị ứng, người bệnh nên ngưng thuốc và bắt đầu một điều trị thích hợp.
  • Trên bệnh nhân suy gan nặng hoặc đồng thời có suy thận: Nên kiểm tra nồng độ Cefoperazone huyết thanh và điều chỉnh liều dùng phù hợp cho mỗi giai đoạn, theo dõi nghiêm ngặt.
  • Sử dụng ở trẻ em: Klonaxol chưa được nghiên cứu rộng rãi khi sử dụng ở trẻ sinh non và trẻ sơ sinh. Vì vậy bác sĩ cần đánh giá cân nhắc lợi ích/nguy cơ của việc sử dụng sản phẩm.
  • Phụ nữ có thai: Nên tránh sử dụng Cefoperazone trong thời gian mang thai.
  • Phụ nữ cho con bú: Cefoperazone được bài tiết với lượng nhỏ trong sữa mẹ, do đó, cần cân nhắc thật kỹ nguy cơ và lợi ích cho mẹ và bé. Không tự ý sử dụng thuốc nếu chưa có sự cho phép của bác sĩ.
  • Sử dụng thuốc Klonaxol kéo dài có thể dẫn đến sự tăng trưởng quá mức của vi khuẩn kháng thuốc.
  • Cần cảnh báo bệnh nhân không nên uống thức uống có cồn, tránh xuất hiện phản ứng nhức đầu, nhịp tim nhanh.
  • Trong tất cả các loại nhiễm khuẩn: Khi điều trị nhiễm khuẩn do Streptococcus pyogenes thì nên điều trị liên tục trong tối thiểu 10 ngày.
  • Sản phẩm này phải được sử dụng dưới sự kiểm soát chặt chẽ của bác sĩ và không thể mua dùng lại nếu không được kê toa thuốc mới.

4.2. Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Klonaxol

Khi sử dụng thuốc Klonaxol có thể gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn sau đây:

  • Quá mẫn da: phát ban dạng sẩn, mề đay, thường xảy ra hơn trên bệnh nhân có cơ địa dị ứng, đặc biệt với penicilin.
  • Trên huyết học: Giảm bạch cầu (giảm nhẹ và có thể hồi phục), giảm prothrombin máu (ít gặp và thoáng qua).
  • Trên gan: Tăng men gan.
  • Trên đường tiêu hóa: Tiêu chảy, phân lỏng, ở mức độ nhẹ và trung bình.
  • Phản ứng tại chỗ tiêm: Viêm tĩnh mạch.
  • Khác: Viêm đại tràng nặng, viêm phổi kẽ và sốc.

4.3.Tương tác, tương kỵ thuốc Klonaxol

  • Không nên pha chung Cefoperazone với kháng sinh nhóm aminoglycosid trực tiếp với nhau, bởi có thể làm tăng nguy cơ độc gây độc với thận, vì có tương kỵ vật lý giữa chúng.
  • Sử dụng đồng thời Cefoperazone với các sản phẩm kháng đông là dẫn chất của coumarin hoặc indandion, heparin hoặc thuốc tan huyết khối có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.
  • Cân nhắc khi sử dụng chung thuốc Klonaxol với rượu bia, đồ uống có cồn hoặc lên men, thuốc lá. Những tác nhân có thể thay đổi thành phần có trong thuốc.

Bảo quản thuốc Klonaxol: Bảo quản thuốc nhiệt độ dưới 30°C, trong bao bì gốc, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, tránh ẩm, để ở nơi khô ráo và thoáng mát.

Trên đây là toàn bộ thông tin cần thiết khi sử dụng thuốc Klonaxol. Thuốc Klonaxol là thuốc kê đơn nên bệnh nhân không tự ý dùng và ngưng thuốc nếu chưa có sự cho phép của bác sĩ điều trị.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-klonaxol/

Công dụng thuốc Sullivan-400 Previous post Công dụng thuốc Sullivan-400
Công dụng thuốc Elbas Next post Công dụng thuốc Elbas