Công dụng thuốc Klacid MR

Công dụng thuốc Klacid MR

Thuốc Klacid MR chứa hoạt chất Clarithromycin hàm lượng 500mg, đây là một kháng sinh thuộc họ Macrolid. Thuốc được bào chế ở dạng viên nén giải phóng biến đổi, thường chỉ định trong điều trị nhiễm trùng hô hấp.

1. Thuốc Klacid MR là gì?

1.1. Dược lực học của thuốc Klacid MR

Thành phần chính trong thuốc là Clarithromycin – là dẫn chất của Erythromycin. Clarithromycin thể hiện hoạt tính kháng khuẩn bằng cách kết hợp với tiểu đơn vị Ribosom 50S của vi khuẩn nhạy cảm và ức chế sự tổng hợp protein. Chất chuyển hóa 14-hydroxy của Clarithromycin cũng có tác dụng kháng khuẩn.

Clarithromycin có hiệu lực cao chống lại nhiều vi khuẩn gram dương, vi khuẩn gram âm ưa khí và kị khí. Các chủng vi khuẩn nhạy cảm với Clarithromycin có thể kể đến như: tụ cầu vàng, liên cầu tan máu β nhóm A, liên cầu tan máu α nhóm viridans, phế cầu, Listeria Monocytogenes, Haemophilus influenzae, Haemophilus parainfluenzae, Neisseria gonorrhoeae, Moraxella catarrhalis, Helicobacter pylori, Legionella pneumophila, Bordetella pertussis, Campylobacter jejuni, Mycoplasma pneumoniae, Mycobacterium avium, Mycobacterium leprae, Ureaplasma urealyticum, Chlamydia trachomatis, Chlamydia pneumoniae, Clostridium perfringens, Propionibacterium acnes, Peptococcus niger, Bacteroides melaninogenicus, Borrelia burgdorferi, Treponema pallidum.

1.2. Dược động học của thuốc Klacid MR

  • Hấp thu: Nghiên cứu về dược động học của Clarithromycin giải phóng biến đổi đường uống đã được tiến hành ở người lớn và đã được so sánh với Clarithromycin 250mg và 500mg phóng thích nhanh. Kết quả nghiên cứu cho thấy với tổng liều hàng ngày như nhau thì mức độ hấp thu là tương đương. Sinh khả dụng tuyệt đối khoảng 50%.
  • Phân bố: In vitro, tỷ lệ gắn kết giữa Clarithromycin với protein huyết tương ở người khoảng 70% ở nồng độ 0,45-4,5 mcg/mL. Nghiên cứu trên động vật cho thấy nồng độ Clarithromycin có trong tất cả các mô, trừ hệ thần kinh trung ương, cao hơn nhiều lần nồng độ thuốc ở hệ tuần hoàn, nồng độ thuốc cao nhất là trong mô phổi và gan.
  • Chuyển hóa: Ở bệnh nhân sử dụng viên Clarithromycin giải phóng biến đổi với liều 500mg/lần mỗi ngày, nồng độ đỉnh trong huyết tương ở trạng thái ổn định của Clarithromycin và của 14-hydroxy Clarithromycin lần lượt là 1,3mcg/mL và 0,48mg/mL. Thời gian bán thải của thuốc mẹ và của chất chuyển hóa lần lượt khoảng 5,3 giờ và 7,7 giờ. Ở liều cao, sự chuyển hóa không tuyến tính của Clarithromycin rõ rệt hơn.
  • Thải trừ: Khoảng 40% liều Clarithromycin bài tiết qua nước tiểu, trong khi thải trừ qua phân chiếm 30%.

Dược động học của thuốc Klacid MR thay đổi ở bệnh nhân suy gan, suy thận hoặc người lớn tuổi

2. Thuốc Klacid MR công dụng là gì?

Thuốc Klacid MR được chỉ định để điều trị nhiễm trùng do các vi khuẩn nhạy cảm gây ra ở người lớn và trẻ em trên 12 tuổi trong các trường hợp:

  • Nhiễm trùng hô hấp dưới: viêm phế quản cấp và mạn tính, viêm phổi.
  • Nhiễm trùng hô hấp trên: viêm xoang, viêm họng.
  • Nhiễm trùng da và mô mềm: viêm nang lông, viêm quầng hay viêm mô tế bào.
  • Nhiễm trùng răng.

Chống chỉ định sử dụng Klacid MR ở các đối tượng sau:

  • Bệnh nhân quá mẫn cảm với Clarithromycin, mẫn cảm với các kháng sinh khác thuộc nhóm Macrolid, hay mẫn cảm với bất kỳ thành phần tá dược nào của thuốc.
  • Bệnh nhân có tiền sử QT kéo dài (bẩm sinh/mắc phải), hoặc tiền sử loạn nhịp thất, kể cả xoắn đỉnh.
  • Bệnh nhân hạ kali máu (nguy cơ QT kéo dài).
  • Bệnh nhân suy gan nặng kèm suy thận.
  • Bệnh nhân suy thận với độ thanh thải creatinine

Chống chỉ định sử dụng Clarithromycin đồng thời với các thuốc sau đây:

  • Astemizole, Cisapride, Pimozide, Terfenadine (vì nguy cơ kéo dài khoảng QT và loạn nhịp tim).
  • Alkaloid nấm cựa gà như Ergotamine, Dihydroergotamine (vì có thể gây ngộ độc).
  • Thuốc ức chế enzyme HMG-CoA reductase (Statin) mà phần lớn chuyển hóa bởi CYP3A4 (như Lovastatin, Simvastatin) (do tăng nguy cơ bệnh lý về cơ)
  • Midazolam dạng uống.
  • Colchicine.
  • Ticagrelor, Ranolazine.

3. Liều lượng và cách dùng thuốc Klacid MR

3.1. Cách dùng thuốc Klacid MR

Thuốc Klacid MR được sử dụng bằng đường uống, uống nguyên viên thuốc, không nghiền hoặc nhai.

3.2. Liều dùng thuốc Klacid MR

  • Liều Klacid MR khuyến cáo thường dùng ở người lớn và trẻ em trên 12 tuổi là 1 viên 500mg/ngày, uống trong khi ăn.
  • Đối với trường hợp nhiễm trùng nặng hơn, liều Klacid MR có thể tăng đến 2 viên 500mg mỗi ngày.
  • Thời gian điều trị Klacid MR thông thường là 5-14 ngày, ngoại trừ viêm phổi mắc phải ở cộng đồng và viêm xoang cần điều trị 6-14 ngày.
  • Đối với nhiễm trùng răng, liều Klacid MR thường dùng là 1 viên 500mg/ngày, uống trong 5 ngày.
  • Klacid MR chưa được nghiên cứu ở bệnh nhi dưới 12 tuổi.

4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Klacid MR

Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc Klacid MR:

  • Đau bụng, tiêu chảy, khó tiêu, buồn nôn, nôn, rối loạn vị giác
  • Rối loạn chức năng gan
  • Mất ngủ, đau đầu
  • Phát ban, tăng tiết mồ hôi

Các tác dụng phụ ít gặp của thuốc Klacid MR:

  • Viêm dạ dày ruột, trào ngược dạ dày – thực quản, chán ăn, đau trực tràng, viêm miệng lưỡi, táo bón
  • Phản ứng quá mẫn, ngứa, mày đay
  • Chóng mặt, ù tai, nghe kém, ngủ lơ mơ
  • Kéo dài khoảng QT, đánh trống ngực
  • Chảy máu mũi
  • Ảnh hưởng hệ gan mật
  • Bội nhiễm nấm Candida, nhiễm trùng âm đạo
  • Giảm bạch cầu

5. Tương tác của Klacid MR

Các thuốc sau đây bị chống chỉ định nghiêm ngặt vì tương tác nghiêm trọng với Klacid MR:

  • Cisapride, Pimozide, Astemizole và Terfenadine
  • Alkaloid nấm cựa gà
  • Midazolam dạng uống
  • Thuốc ức chế HMG-CoA reductase (Statin)

Một số thuốc khác cũng gây tương tác lên Clarithromycin có thể kể đến là: Efavirenz, Nevirapine, Rifampicin, Rifabutin, Rifapentin, Carbamazepine, Phenytoin, Phenobarbital, Etravirine, Fluconazole, Ritonavir.

Clarithromycin cũng tác dụng đến một số loại thuốc như: thuốc chống loạn nhịp, các thuốc hạ đường huyết dạng uống, Insulin, thuốc chuyển hóa chủ yếu qua CYP3A4 (Carbamazepine,…), Omeprazole, Sildenafil, Tadalafil, Vardenafil, Theophylin, Tolterodine, Triazolobenzodiazepine (Alprazolam, Midazolam, Triazolam).

Ngoài ra, một số tương tác khác cũng đã được ghi nhận giữa Clarithromycin với: Colchicine, Digoxine, Zidovudine, Phenytoin, Valproate, Atazanavir, các thuốc chẹn kênh calci, Itraconazole, Saquinavir

6. Thận trọng khi sử dụng thuốc Klacid MR

  • Trước khi tiến hành điều trị với Klacid MR, bệnh nhân cần báo với bác sĩ về tiền sử bệnh tật cũng như các loại thuốc đang sử dụng, để tránh trường hợp chống chỉ định của thuốc và giảm nguy cơ tương tác thuốc.
  • Phụ nữ mang thai hay đang cho con bú không nên sử dụng Clarithromycin bởi vì độ an toàn của thuốc trong thời kỳ này chưa được thiết lập.
  • Thận trọng khi sử dụng Clarithromycin ở bệnh nhân suy chức năng gan, suy thận mức độ vừa – nặng.
  • Thận trọng khi sử dụng Klacid MR ở người mắc bệnh động mạch vành, suy tim nặng, rối loạn dẫn truyền hay nhịp tim chậm.
  • Cũng như các kháng sinh khác, sử dụng Clarithromycin kéo dài có thể dẫn đến bội nhiễm nấm hay tăng sinh vi khuẩn không nhạy cảm với thuốc.
  • Đã ghi nhận trường hợp bị rối loạn chức năng gan (bao gồm tăng men gan, viêm tế bào gan, viêm gan ứ mật) khi sử dụng Clarithromycin. Ngừng sử dụng thuốc nếu xuất hiện dấu hiệu viêm gan như chán ăn, vàng da, nước tiểu sẫm màu, ngứa, đau bụng.
  • Viêm ruột kết giả mạc đã được ghi nhận ở bệnh nhân sử dụng Macrolid với các mức độ từ nhẹ đến đe dọa tính mạng. Điều trị kháng sinh làm thay đổi hệ khuẩn chí bình thường của hệ tiêu hóa và có thể dẫn đến sự phát triển quá mức của Clostridium difficile gây tiêu chảy.
  • Tình trạng kháng Macrolid của Streptococcus pneumoniae đang gia tăng, do đó thực hiện kháng sinh đồ rất quan trọng khi điều trị Clarithromycin cho bệnh nhân viêm phổi cộng đồng. Đối với viêm phổi mắc phải bệnh viện, việc sử dụng Clarithromycin nên được kết hợp với các kháng sinh thích hợp khác.
  • Làm xét nghiệm kháng sinh đồ cũng rất quan trọng trong điều trị các nhiễm trùng da, bởi vì các tác nhân gây nhiễm trùng da thường gặp là Staphylococcus aureus và Streptococcus pyogenes đều có thể kháng các thuốc Macrolid.
  • Chưa có báo cáo về ảnh hưởng của Klacid MR đến việc lái xe và vận hành máy móc, tuy nhiên, nguy cơ hoa mắt, chóng mặt, lẫn lộn, mất phương hướng có thể xảy ra ở bệnh nhân sử dụng Clarithromycin.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-klacid-mr/

Công dụng thuốc Flavoxate Savi 200 Previous post Công dụng thuốc Flavoxate Savi 200
Công dụng thuốc Gmdiacetyl 20 Next post Công dụng thuốc Gmdiacetyl 20