Công dụng thuốc Indclav 228.5

Công dụng thuốc Indclav 228.5

Thuốc Indclav được bào chế dưới dạng bột pha hỗn dịch uống, có thành phần chính là Amoxicillin và Kali clavulanat. Thuốc được sử dụng trong điều trị ngắn hạn các trường hợp nhiễm khuẩn gây ra bởi chủng vi khuẩn nhạy cảm với Amoxicillin.

1. Thuốc Indclav có tác dụng gì?

Mỗi 5ml hỗn dịch thuốc Indclav đã pha có chứa: Amoxicillin trihydrate tương đương 200mg Amoxicillin + Kali clavulanat tương đương acid clavulanic 28.5mg.

Amoxicillin là kháng sinh bán tổng hợp thuộc họ beta – lactamin, có phổ kháng khuẩn rộng với nhiều vi khuẩn gram âm và vi khuẩn gram dương do khả năng ức chế tổng hợp thành tế bào vi khuẩn. Tuy nhiên, vì Amoxicillin dễ bị phá hủy bởi beta – lactamase nên nó không có tác dụng với các chủng vi khuẩn sản sinh ra các enzyme này (nhiều chủng Enterobacteriaceae và Haemophilus influenzae).

Còn Acid clavulanic hình thành do sự lên men của Streptomyces clavuligerus, có cấu trúc beta – lactam gần giống penicillin, có khả năng ức chế beta – lactamase sinh ra bởi phần lớn các vi khuẩn gram âm và staphylococcus. Đặc biệt, nó còn có tác dụng ức chế mạnh các beta – lactamase truyền qua plasmid gây kháng các cephalosporin và các penicillin. Acid clavulanic giúp cho Amoxicillin không bị beta – lactamase phá hủy, đồng thời mở rộng phổ kháng khuẩn của Amoxicillin một cách hiệu quả với các chủng vi khuẩn đã kháng Amoxicillin, kháng các penicilin và các cephalosporin khác.

Chỉ định sử dụng thuốc Indclav: Điều trị ngắn hạn các trường hợp nhiễm khuẩn do các chủng vi khuẩn sản sinh beta – lactamase nhạy cảm với Amoxicillin như:

  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên (tai – mũi – họng): Viêm tai giữa, viêm amidan tái phát, viêm xoang;
  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới: Viêm phế quản – phổi, đợt cấp của viêm phế quản mạn tính;
  • Nhiễm khuẩn ổ bụng, đường sinh dục – tiết niệu: Viêm bàng quang (đặc biệt khi tái phát, có biến chứng, trừ viêm tiền liệt tuyến), nhiễm khuẩn hậu sản và vùng chậu, nhiễm khuẩn sau phá thai, nhiễm khuẩn trong ổ bụng;
  • Nhiễm khuẩn da và mô mềm: Nhiễm khuẩn vết thương do động vật cắn, viêm mô tế bào, áp xe răng nặng kết hợp với viêm mô tế bào lan tỏa;
  • Nhiễm khuẩn hỗn hợp: Gây ra bởi các vi khuẩn nhạy cảm với Amoxicillin kết hợp với vi khuẩn sản sinh beta – lactamase nhạy cảm với hỗn hợp Amoxicillin + Acid clavulanic.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Indclav:

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Indclav

Cách dùng: Bệnh nhân lắc đều chai thuốc Indclav để làm tơi bột thuốc. Sau đó, thêm từ từ nước đun sôi để nguội tới vạch đánh dấu trên chai, lắc đều. Tiếp theo, thêm nước đến vạch nếu cần thiết.

Người bệnh nên uống thuốc Indclav ngay trước bữa ăn nhằm hạn chế tình trạng không dung nạp thuốc ở dạ dày – ruột. Sự hấp thu thuốc sẽ đạt tối ưu nếu dùng vào thời điểm này. Thời gian điều trị bằng thuốc được bác sĩ chỉ định tùy từng trường hợp, không nên dùng quá 14 ngày mà không được đánh giá hiệu quả điều trị.

Liều dùng: Biểu thị dưới dạng Amoxicillin trong hợp chất:

  • Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: Không nên dùng dạng bột pha hỗn dịch uống, nên dùng dạng viên nén;
  • Trẻ em dưới 12 tuổi: Dùng 25mg/kg/ngày, chia nhiều lần cách nhau 8 giờ. Cụ thể:
    • Trẻ em dưới 1 tuổi: Dùng liều 25mg/kg/ngày. Ví dụ, với trẻ em nặng 7.5kg thì dùng liều 3ml hỗn dịch, ngày 3 lần;
    • Trẻ em 2 – 6 tuổi (10 – 18kg): Dùng 5ml, ngày 3 lần;
    • Trẻ em trên 6 tuổi (18 – 40kg): Dùng liều 10ml, ngày 3 lần;
    • Nếu trẻ bị nhiễm khuẩn nặng có thể tăng liều dùng lên tới 50mg/kg/ngày, chia làm nhiều lần dùng, cách nhau mỗi 8 giờ;
  • Bệnh nhân suy thận: Dùng liều khởi đầu tương tự bệnh nhân bình thường. Sau đó, tùy theo mức độ suy thận mà dùng các liều tiếp theo như sau:
    • Clcr trên 30ml/phút: Không cần điều chỉnh liều, sử dụng liều thông thường và khoảng cách liều đúng như khuyến cáo;
    • Clcr 10 – 30ml/phút: Dùng liều bằng 1⁄2 liều khởi đầu cách mỗi 12 giờ;
    • Clcr dưới 10ml/phút: Dùng liều bằng 1⁄2 liều khởi đầu, cách mỗi 24 giờ;
  • Bệnh nhân suy gan: Nên dùng thuốc Indclav một cách thận trọng, theo dõi chức năng gan thường xuyên.

Quá liều: Trường hợp người bệnh sử dụng thuốc Indclav quá liều, các triệu chứng ở đường tiêu hóa và rối loạn cân bằng nước – điện giải có thể xảy ra. Nên điều trị triệu chứng quá liều bằng cách cân bằng nước – chất điện giải. Bên cạnh đó, có thể thực hiện thẩm phân máu để loại bỏ thuốc ra khỏi hệ tuần hoàn của cơ thể. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể bị suy thận.

3. Tác dụng phụ của thuốc Indclav

Các tác dụng phụ của thuốc Indclav thường ít gặp, phần lớn ở mức độ nhẹ và thoáng qua. Một số tác dụng phụ người bệnh có thể gặp phải khi dùng thuốc Indclav gồm:

  • Hệ tiêu hóa: Tiêu chảy, buồn nôn, nôn ói, khó tiêu, nấm Candida niêm mạc da, viêm đại tràng liên quan đến kháng sinh (viêm đại tràng xuất huyết và viêm đại tràng giả mạc), đổi màu bề mặt răng (thường được loại bỏ khi người bệnh đánh răng);
  • Tiết niệu và sinh dục: Xuất hiện tinh thể thuốc trong nước tiểu, đau, ngứa âm đạo, khí hư;
  • Gan: Tăng nồng độ ALT, AST và các phosphatase kiềm mức độ trung bình, viêm gan, vàng da ứ mật;
  • Phản ứng quá mẫn: Mày đay, ban đỏ trên da, ban đỏ đa dạng, hoại tử biểu bì nhiễm độc, viêm da tróc, hội chứng Stevens – Johnson, hội chứng giống bệnh huyết thanh, ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính, viêm mạch quá mẫn, phù mạch, phản ứng phản vệ, viêm thận kẽ;
  • Huyết học: Giảm bạch cầu thoáng qua (giảm bạch cầu trung tính và mất bạch cầu hạt), giảm tiểu cầu, thiếu máu tan huyết, kéo dài thời gian chảy máu và thời gian prothrombin;
  • Hệ thần kinh trung ương: Tăng hoạt động có hồi phục, đau đầu, chóng mặt, co giật (ở người bệnh bị suy thận hoặc dùng thuốc liều cao).

Người bệnh nên thông báo cho bác sĩ về các tác dụng phụ mà mình gặp phải khi dùng thuốc Indclav để nhận được lời khuyên phù hợp.

4. Thận trọng khi dùng thuốc Indclav

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Indclav:

  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Indclav ở người bệnh có biểu hiện rối loạn chức năng gan vì một số bệnh nhân dùng Amoxicillin và acid clavulanic có các thay đổi trong một số xét nghiệm chức năng gan;
  • Thuốc Indclav có thể gây vàng da ứ mật nhưng thường có khả năng hồi phục. Các triệu chứng bệnh sẽ biến mất sau khi ngừng điều trị khoảng vài tuần;
  • Với bệnh nhân bị suy thận, nên điều chỉnh liều dùng thuốc Indclav tùy theo mức độ suy thận và tình trạng giảm thể tích nước tiểu. Khi dùng Amoxicillin liều cao, người bệnh nên uống đủ nước và duy trì thể tích nước tiểu nhằm làm giảm nguy cơ kết tinh Amoxicillin trong nước tiểu. Các phản ứng mẫn cảm nặng có thể gây tử vong đã xảy ra ở một số bệnh nhân dùng penicillin, đặc biệt là người có tiền sử quá mẫn với penicillin;
  • Người bệnh dùng Amoxicillin có thể bị ban đỏ kèm sốt nổi hạch;
  • Dùng thuốc Indclav kéo dài có thể dẫn tới sự phát triển quá mức của các chủng vi khuẩn không nhạy cảm với thuốc;
  • Nên tránh dùng thuốc Indclav ở phụ nữ có thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ (trừ khi được bác sĩ cho phép);
  • Có thể sử dụng thuốc Indclav ở phụ nữ cho con bú, nên dùng theo đúng chỉ định của bác sĩ;
  • Thuốc Indclav có thể gây chóng mặt, đau đầu và co giật, gây ảnh hưởng tới khả năng lái xe và vận hành máy móc. Người bệnh nên thận trọng trước tình trạng này.

5. Tương tác thuốc Indclav

Một số tương tác thuốc của Indclav gồm:

  • Bệnh nhân điều trị bằng Amoxicillin và acid clavulanic có thể bị kéo dài thời gian chảy máu và thời gian prothrombin. Do đó, nên thận trọng khi dùng thuốc Indclav ở người bệnh đang sử dụng thuốc chống đông máu;
  • Điều trị bằng Amoxicillin và acid clavulanic có thể làm giảm hiệu quả của các loại thuốc tránh thai đường uống nên người bệnh cần biết về điều này;
  • Sử dụng đồng thời Amoxicillin và allopurinol có thể làm tăng khả năng xảy ra phản ứng dị ứng da (phát ban da);
  • Probenecid làm giảm bài tiết Amoxicillin ở ống thận. Vì vậy, dùng đồng thời Probenecid với Amoxicillin và acid clavulanic có thể làm tăng nồng độ Amoxicillin trong máu;
  • Amoxicillin có thể dẫn tới phản ứng dương tính giả khi thực hiện xét nghiệm đo nồng độ glucose trong nước tiểu.

Khi dùng thuốc Indclav, người bệnh nên tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả điều trị nhiễm khuẩn tốt nhất và tránh được các sự cố nguy hiểm.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-indclav-2285/

Công dụng thuốc Pasepan Previous post Công dụng thuốc Pasepan
Công dụng thuốc Midalexine 250 Next post Công dụng thuốc Midalexine 250