Công dụng thuốc Degas

Công dụng thuốc Degas

Thuốc Degas được sản xuất và đăng ký bởi Công ty cổ phần dược phẩm Vĩnh Phúc, thuộc nhóm thuốc đường tiêu hóa. Vậy thuốc Degas có tác dụng gì, được chỉ định và sử dụng trong trường hợp nào?

1. Thuốc Degas là thuốc gì?

Thuốc Degas có thành phần chính chứa hoạt chất Ondansetron (dưới dạng Ondansetron HCl) với hàm lượng 8mg/ 4ml, được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm, Degas đóng gói dạng hộp gồm 1 vỉ hoặc 2 vỉ, 1 vỉ 5 ống có dung tích 4ml.

2. Tác dụng của thuốc Degas

Tác dụng thuốc Degas:

  • Hoạt chất Ondansetron là một chất đối kháng với thụ thể 5 – HT3 có tính chọn lọc cao giúp ngăn ngừa buồn nôn và nôn. Xạ trị và hóa trị liệu có thể gây ra phản xạ nôn bằng cách hoạt hóa dây thần kinh phế vị thông qua thụ thể 5HT. Hoạt chất Ondansetron trong Degas có tác dụng ức chế sự khởi đầu của phản xạ trên, việc hoạt hóa dây thần kinh phế vị làm thúc đẩy nôn qua cơ chế trung tâm vì gây giải phóng thụ thể 5HT trong vùng postrema ở trên sàn não thất IV.
  • Cơ chế tác dụng chính xác của thuốc Degas trong việc kiểm soát nôn chưa được biết rõ. Tuy nhiên thuốc Degas dùng để phòng buồn nôn và nôn trong điều trị ung thư, tác dụng điều trị nôn và buồn nôn của Ondansetron do đối kháng với các thụ thể 5HT3 trên hệ thần kinh trung ương và dây thần kinh ngoại vi.

3. Chỉ định thuốc Degas

  • Dùng thuốc Degas trong phòng nôn và buồn nôn trong hóa trị ung thư (đặc biệt là Cisplatin) khi người bệnh có nhiều tác dụng phụ hoặc người bệnh đề kháng lại với các liệu pháp chống nôn thông thường khác.
  • Phòng nôn và buồn nôn trong xạ trị ung thư.
  • Ngoài ra, Degas còn dùng để dự phòng nôn hoặc buồn nôn sau phẫu thuật.

4. Chống chỉ định thuốc Degas

Thuốc Degas không được dùng cho các trường hợp quá mẫn với hoạt chất Ondansetron, các tá dược có trong thuốc, hoặc với bất kì thuốc nào thuộc nhóm đối kháng thụ thể 5 – HT3.

5. Cách sử dụng và liều dùng thuốc Degas

Cách dùng:

Liều dùng để phòng nôn trong điều trị xạ trị và hóa trị liệu:

  • Người lớn: Việc sử dụng các loại hóa chất khác nhau với liều lượng khác nhau, có phối hợp điều trị hay không và tùy thuộc vào độ nhảy cảm đối với từng người bệnh sẽ có khả năng gây nôn khác nhau. Việc chỉ định liều Degas tùy thuộc vào từng cá thể, sử dụng từ 8 đến 32 mg/ngày tiêm tĩnh mạch. Liều thông thường được sử dụng là 8mg, tiêm tĩnh mạch chậm ngay trước khi hóa trị hoặc xạ trị. Đối với người bệnh hóa trị có gây nôn nhiều, có thể dùng các phác đồ có liều lượng trong 24 giờ đầu hóa trị như sau:
    • Ngay trước khi dùng hóa trị, tiêm liều đơn 8mg Degas vào tĩnh mạch, tiêm chậm.
    • Tiêm liều tương tự như trên, sau đó thêm tiêm tĩnh mạch 8mg 2 liều cách nhau từ 2 đến 4 giờ hoặc truyền liên tục cho người bệnh 1mg/ giờ trong 24 giờ. Dung dịch truyền gồm 1 liều đơn 32g Degas pha với 50 – 100ml được truyền cho người bệnh trong khoảng thời gian ít nhất là 15 phút ngay trước khi hóa trị. Tùy vào mức độ gây nôn của các loại thuốc hóa trị mà sẽ lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp.
  • Trên đối tượng là trẻ em từ 4 đến 12 tuổi: Sử dụng 1 liều 0,15mg/ kg cân nặng, tiêm tĩnh mạch ngay trước khi hóa trị, sau đó uống liều 4mg mỗi 12 giờ, dùng không quá 5 ngày.
  • Đối với trẻ em dưới 3 tuổi: Không có chỉ định sử dụng.

Phòng buồn nôn và nôn cho bệnh nhân sau phẫu thuật:

  • Người lớn và người cao tuổi: khi gây tiền mê, sử dụng Degas với liều đơn 4mg, tiêm bắp hoặc tĩnh mạch chậm.
  • Trẻ trên 2 tuổi: Tiêm mỗi 0,1 mg/ kg cân nặng, tiêm tối đa 4mg, tiêm tĩnh mạch chậm trước, trong hoặc sau gây tiền mê.
  • Trên người bệnh có xơ gan hoặc bệnh gan năng dùng liều tối đa ngày 8mg.

6. Tác dụng không mong muốn

  • Khi dùng thuốc Degas, người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ thường gặp như sau: sốt, đau đầu, an thần, tiêu chảy, táo bón.
  • Các tác dụng phụ ít gặp hơn như: khô miệng, chóng mặt, cảm thấy yếu, co cứng bụng, tăng men gan thoáng qua.
  • Và các tác dụng phụ khác hiếm gặp hơn nhưng vẫn có khả năng xảy ra khi dùng Degas: Sốc phản vệ, phản ứng quá mẫn, hạ huyết áp, phù mạch, nổi mề đay, khó thở, co thắt phế quản, thở khò khè, thở ngắn, nhịp tim nhanh, đau ngực, loạn nhịp. Ban xuất huyết, nổi ban, giảm kali máu, vàng da, rối loạn men gan.
  • Nếu xảy ra bất cứ tác dụng phụ nào, cần phải thông báo báo cho bác sĩ hoặc nhân viên y tế có chuyên môn để được xử lý kịp thời và hiệu quả.

7. Tương tác thuốc

Một số tương tác thuốc đã được báo cáo khi sử dụng thuốc Degas với các thuốc khác như:

  • Hoạt chất Ondansetron do thay đổi chuyển hóa có thể gây tăng độc tính nếu kết hợp thuốc Degas với các chất ức chế cytocrom P450 như: Cimetidine, Disulfiram, Allopurinol.
  • Khi dùng các thuốc gây cảm ứng cytocrom P450 như Carbamazepin, Barbiturat, Phenytoin, Rifampin, Phenylbutazon với Degas, do bị thay đổi thanh thải thuốc nên sẽ làm giảm tác dụng của hoạt chất Ondansetron có trong thuốc.
  • Không trộn Degas với bất cứ dung dịch nào khi chưa xác định được khả năng tương hợp (đặc biệt là các dung dịch kiềm có thể gây tủa).
  • Khuyến cáo người bệnh cần báo cho bác sĩ tất cả các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng đã và đang sử dụng để có những chỉ định điều trị phù hợp, an toàn và hiệu quả.

8. Chú ý sử dụng thuốc Degas

  • Đối với đối tượng phụ nữ đang mang thai và bà mẹ đang cho con bú: không chỉ định sử dụng thuốc Degas, tuy nhiên nếu thực sự cần thiết, sẽ phải tuân theo chỉ định của bác sĩ và cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi dùng.
  • Cần khuyến cáo các tác dụng không mong muốn như đau đầu, chóng mặt có thể làm ảnh hưởng đến khả năng lái xe, vận hành máy móc của người bệnh.

Trên đây là công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Degas. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, bạn cần dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-degas/

Công dụng thuốc Spiranisol forte Previous post Công dụng thuốc Spiranisol forte
Công dụng thuốc Cilnidipine Next post Công dụng thuốc Cilnidipine