Công dụng thuốc Datadol extra

Công dụng thuốc Datadol extra

Thuốc Datadol extra là một loại thuốc giảm đau có thành phần phối hợp, giúp làm giảm nhanh các triệu chứng đau từ nhẹ tới vừa. Để có thể dùng thuốc an toàn và hiệu quả, bạn cần hiểu hơn về công dụng của thuốc.

1. Datadol extra là thuốc gì?

Thành phần chính của thuốc Datadol extra là Acetaminophen (paracetamol) 500mg và Cafein 65mg. Được bào chế dưới dạng viên nén.

Một số công dụng của các thành phần trong thuốc:

Thuộc nhóm thuốc giảm đau chống viêm không steroid, có tác dụng chính là giảm đau và hạ sốt. Thuốc có tác dụng lên vùng dưới đồi gây hạ nhiệt, tăng sự toả nhiệt do giãn mạch và tăng lưu lượng máu ngoại biên. Do tác động đến ức chế men cyclooxygenase(COX) và giảm sự sản xuất prostaglandin của hệ thần kinh trung ương nên có tác dụng giảm đau. Tuy nhiên, khác với các thuốc chống viêm không steroid thì Paracetamol không có tác dụng trên sự ngưng kết tiểu cầu hoặc thời gian chảy máu, cũng gần như không có tác dụng chống viêm.

Khi sử dụng Paracetamol có tác dụng làm giảm thân nhiệt ở người bệnh đang bị sốt nhưng hiếm khi làm giảm thân nhiệt ở người bình thường. Khi dùng quá liều thuốc không chuyển hoá qua con đường thông thường, mà chuyến hoá theo một con đường khác và tạo ra chất chuyển hóa là N-acetyl-benzoquinonimin, gây độc nặng cho tế bào gan.

  • Cafein

Cafein có tác dụng kích thích thần kinh trung ương. Cafein gây ức chế hoạt động enzym phosphodiesterase và có tác dụng đối kháng tại thụ thể adenosin trung tâm. Ngoài ra, khi dùng cafein có thể kích thích trung tâm hô hấp. Chất này thường được sử dụng kết hợp với liều thấp cùng các thuốc giảm đau đường uống như aspirin, paracetamol để làm tăng hiệu quả giảm đau và hạ sốt của thuốc này.

2. Công dụng của thuốc Datadol extra

Thuốc Datadol chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Điều trị các triệu chứng đau từ nhẹ tới vừa như: Đau đầu, đau nhức răng, đau lưng, đau nhức cơ, đau bụng kinh, đau do thấp khớp, thoái hoá khớp. Khi sử dụng đơn độc Paracetamol mà không mang lại hiệu quả giảm đau hoặc hiệu quả kém.
  • Hạ sốt từ nhẹ đến vừa trong các trường hợp sốt do virus, vi khuẩn…

Chống chỉ định:

Thuốc Datadol extra không được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Người bệnh mẫn cảm với thành phần chính gồm paracetamol, cafein hay bất kỳ thành phần tá dược nào của thuốc.
  • Người bệnh bị nhiều lần thiếu máu vì che lấp dấu hiệu tác dụng phụ nghiêm trọng.
  • Bệnh lý tim mạch( suy mạch vành, nhồi máu cơ tim, nhịp nhanh), bệnh phổi, suy gan, suy thận nặng
  • Người bệnh thiếu hụt men glucose-6-phosphat dehydrogenase( G6PD).
  • Người bị nghiện rượu.
  • Trẻ em dưới 12 tuổi không được dùng.

3. Liều dùng và cách dùng thuốc Datadol extra

3.1 Cách dùng

Thuốc được bào chế dạng viên nén, nên uống thuốc với một cốc nước đầy. Người bệnh có thể dùng cùng với thức ăn hay không đều được. Có thể dùng nhắc lại liều dùng sau tối thiểu 4-6 giờ nếu cần thiết.

3.2 Liều dùng

Liều dùng của thuốc có thể thay đổi tùy từng đối tượng và trường hợp khác nhau. Dưới đây là liều tham khảo:

  • Người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên: Uống từ 1 đến 2 viên và từ 2 – 3 lần/ngày. Không uống quá 8 viên/ngày. Hoặc tính liều theo cân nặng 10-15mg Paracetamol/kg cân nặng.
  • Không dùng thuốc có chứa paracetamol để điều trị giúp giảm đau quá 10 ngày ở người lớn hoặc không dùng quá 5 ngày ở trẻ em, trừ khi việc sử dụng thuốc Datadol extra là do thầy thuốc hướng dẫn.
  • Không dùng paracetamol cho người lớn và trẻ em để tự điều trị tình trạng sốt cao, sốt kéo dài trên 3 ngày, sốt đáp ứng kém với paracetamol hoặc tình trạng sốt tái phát, nên tìm nguyên nhân để điều trị hiệu quả.

3.3 Quá liều và quên liều thuốc Datadol extra

Quá liều:

  • Paracetamol: Khi quá liều có thể gây ra các triệu chứng thường gặp như buồn nôn, nôn, đau bụng, chán ăn, tăng methemoglobin máu dẫn đến chứng xanh tím trên da, xanh tím niêm mạc và móng tay. Trẻ em có khuynh hướng tạo ra methemoglobin dễ dàng hơn so với người lớn sau khi uống quá liều paracetamol. Khi quá liều người bệnh cần liên hệ với bác sĩ để có những chỉ định phù hợp.
  • Cafein: Quá liều cafein rất hiếm khi xảy ra. Các triệu chứng có thể gặp khi quá liều như sốt, thở nhanh, bồn chồn, mất ngủ, nhịp tim nhanh, run chi, co giật. Xử trí: Cần tiến hành điều trị các triệu chứng và hỗ trợ.

Quên liều:

Nếu quên một liều thuốc, bạn có thể uống khi nhớ ra hoặc bỏ qua liều thuốc đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm tiếp theo.

4. Tác dụng phụ của thuốc Datadol extra

Nếu người bệnh sử dụng thuốc Datadol extra đúng liều và không lạm dụng thuốc thì thường ít gây ra tác dụng phụ. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp vẫn có thể gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn:

Đối với Paracetamol

  • Ban da và các phản ứng dị ứng rất ít khi xảy ra, thường là ban đỏ hoặc mày đay, nhưng đôi khi người bệnh có thể bị nặng hơn và kèm theo sốt do thuốc, thương tổn niêm mạc.
  • Trong một số ít trường hợp paracetamol gây giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu và có thể gây ra giảm toàn thể huyết cầu.
  • Ít gặp hơn có thể gây buồn nôn, nôn, đau đầu, mất ngủ, độc tính thận khi lạm dụng dài ngày.

Đối với Cafein:

  • Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm: Mất ngủ, căng thẳng, hay lo âu, cáu gắt, đau đầu, rối loạn tiêu hóa.
  • Các phản ứng phụ nghiêm trọng rất hiếm khi xảy ra như phản ứng phản vệ gồm phát ban, ngứa hoặc sưng (đặc biệt là ở mặt, lưỡi, họng), chóng mặt, khó thở, đau ngực.

Khi gặp tác dụng phụ của thuốc, đặc biệt là các tác dụng phụ nghiêm trọng cần ngưng sử dụng và thông báo cho bác sĩ hoặc đến ngay những cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

5. Lưu ý khi dùng thuốc Datadol extra

  • Đây là một loại thuốc có tác dụng điều trị triệu chứng và không thay thế được các thuốc điều trị nguyên nhân. Nên nếu bạn dùng thuốc nhưng không cải thiện thì cần thăm khám để tìm nguyên nhân gây ra bệnh, đê điều trị hiệu quả.
  • Tránh sử dụng rượu trong quá trình điều trị với thuốc chứa paracetamol do cả hai thành phần đều gây hại cho gan, làm tăng nguy cơ độc tính trên gan. Tránh dùng thuốc đồng thời với các loại thức ăn hay đồ uống có chứa thành phần cafein do làm tăng các tác dụng phụ của cafein.
  • Thời kỳ mang thai và cho con bú: Hiện nay, chưa có ghi nhận về các tác dụng không mong muốn ở phụ nữ mang thai cho con bú khi sử dụng thuốc paracetamol. Nhưng cafein lại là có thể qua được nhau thai và gây ra những bất thường cho phôi thai khi sử dụng ở liều rất cao. Cho nên, bạn cân nhắc khi sử dụng thuốc này nếu đang mang thai và cho con bú.
  • Thận trọng khi dùng cho người bị phenylceton – niệu và những người phải hạn chế lượng phenylalanin đưa vào cơ thể: Do một số chế phẩm paracetamol chứa aspartam, sẽ chuyển hóa trong dạ dày – ruột thành phenylalanin sau khi uống.
  • Không sử dụng đồng thời nhiều loại thuốc khác nhau có tác dụng và thành phần tương tự, vì làm tăng nguy cơ độc tính và quá liều.

6. Tương tác thuốc Datadol extra

Đối với paracetamol:

  • Uống thuốc Paracetamol dài ngày liều cao làm tăng nhẹ tác dụng chống đông của coumarin và dẫn xuất chất indandion.
  • Cần phải chú ý đến nguy cơ gây hạ thân nhiệt nghiêm trọng ở người bệnh dùng đồng thời phenothiazin và với một liệu pháp hạ nhiệt.
  • Uống rượu quá nhiều và uống dài ngày có thể làm tăng nguy cơ gây độc cho gan của paracetamol.
  • Thuốc chống co giật (phenytoin, barbiturat, carbamazepin) gây cảm ứng enzym ở microsom gan, có thể làm tăng tính độc hại gan của paracetamol.
  • Dùng đồng thời isoniazid với paracetamol cũng có thể dẫn đến tăng nguy cơ độc tính đối với gan.
  • Probenecid có thể làm giảm sự đào thải paracetamol và làm tăng thời gian bán thải trong huyết tương của paracetamol.
  • Các thuốc chống lao cũng làm làm tăng độc tính của paracetamol đối với gan.

Đối với cafein:

  • Kháng sinh ciprofloxacin, norfloxacin có tác dụng làm tăng thời gian lưu trữ cafein trong máu nên tăng tác hại của cafein.
  • Dùng theophylline cùng lúc với cafein làm tăng nồng độ theophylin trong máu và gây ra tác dụng phụ như buồn nôn, nôn mửa, tim đập nhanh.
  • Cafein làm tăng các rủi ro có thể xảy ra khi dùng thảo dược ephedra.

Ngoài ra, có thể xảy ra một số tương tác khác, nên thận trọng đọc kỹ hướng dẫn để tránh dùng các thuốc tương tác với nhau, làm tăng nguy cơ gây hại cho cơ thể.

Hy vọng, với những thông tin trên bạn đã biết thuốc Datadol extra là thuốc gì, có công dụng ra sao và sử dụng thuốc như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất, hạn chế nguy cơ gây hại cho cơ thể.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-datadol-extra/

Công dụng thuốc Infecin Previous post Công dụng thuốc Infecin
Công dụng thuốc Glodas 180 Next post Công dụng thuốc Glodas 180