Công dụng thuốc Cyproheptadine 4mg

Công dụng thuốc Cyproheptadine 4mg

Thuốc Cyproheptadine 4mg là thuốc chống dị ứng và được sử dụng trong trường hợp quá mẫn. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn đọc thông tin về công dụng, liều dùng và lưu ý khi dùng thuốc Cyproheptadine.

1. Thuốc Cyproheptadine là thuốc gì?

Thuốc Cyproheptadine là thuốc kháng histamin. Thuốc Cyproheptadine có thể được bào chế dưới dạng viên nén với hàm lượng 4mg, dạng siro với hàm lượng 2mg/5ml, 0,4mg/ml.

Cyproheptadine có tác dụng đối kháng với histamin, serotonin, bên cạnh đó Cyproheptadine còn có tác dụng an thần. Cyproheptadine tác dụng đối kháng với histamin và serotonin bằng cách cạnh tranh với histamin và serotonin tự do để gắn kết tại thụ thể tương ứng của chúng. Sự đối kháng của serotonin tại vùng kiểm soát sự thèm ăn ở vùng dưới đồi giải thích cho khả năng kích thích sự thèm ăn của Cyproheptadine.

2. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Cyproheptadine 4mg

2.1 Chỉ định

Chỉ định sử dụng thuốc Cyproheptadine 4mg trong các trường hợp sau:

  • Viêm mũi dị ứng lâu năm, viêm mũi dị ứng theo mùa.
  • Viêm mũi vận mạch.
  • Viêm kết mạc dị ứng do chất gây dị ứng và thực phẩm.
  • Dị ứng nhẹ không biến chứng trên da.
  • Cải thiện phản ứng dị ứng với máu hoặc huyết tương.
  • Nổi mày đay do lạnh.
  • Bệnh da liễu.
  • Đau nửa đầu do mạch máu (đau nửa đầu do histamin, đau nửa đầu).
  • Cyproheptadine là liệu pháp điều trị phản ứng phản vệ, hỗ trợ cho epinephrine và biện pháp tiêu chuẩn khác sau khi biểu hiện phản vệ cấp tính đã được kiểm soát.
  • Kích thích sự thèm ăn.

2.2 Chống chỉ định

Chống chỉ định sử dụng thuốc Cyproheptadine trong các trường hợp sau:

  • Dị ứng hoặc quá mẫn với Cyproheptadine hoặc các thuốc khác có cấu trúc hóa học tương tự.
  • Trẻ sơ sinh, trẻ sinh non.
  • Phụ nữ đang cho con bú.
  • Bệnh nhân lớn tuổi, suy nhược.
  • Đang điều trị với thuốc ức chế monoamine oxidase.
  • Bệnh tăng nhãn áp góc đóng.
  • Viêm loét dạ dày tá tràng.
  • Phì đại tuyến tiền liệt có triệu chứng.
  • Tắc nghẽn cổ bàng quang.
  • Tắc nghẽn tá tràng.

3. Cách dùng thuốc Cyproheptadine 4mg

3.1 Cách dùng thuốc

Thuốc Cyproheptadine được dùng đường uống. Liều dùng thuốc như sau:

Người lớn

  • Điều trị dị ứng: liều khởi đầu 4mg x 3 lần/ngày; điều chỉnh liều dựa trên kích thước và đáp ứng của bệnh nhân khi cần thiết, tối đa 0,5mg kg mỗi ngày. Liều thường dùng 4 – 20mg/ngày, hầu hết bệnh nhân sử dụng 12 – 16mg/ngày. Một số trường hợp bệnh nhân có thể cần đến 32mg mỗi ngày.
  • Mày đay mạn tính: 1⁄2 viên nén x 3 lần/ngày.
  • Đau nửa đầu cấp tính: dùng 1 viên nén, nếu sau 30 phút vẫn còn đau đầu có thể dùng tiếp 1 viên nén. Dùng 1 viên nén Cyproheptadine 4mg sau mỗi 4-6 giờ thường là đủ để tránh đau đầu tái phát. Tổng liều Cyproheptadine không nên vượt quá 8mg trong 4-6 giờ.
  • Người biếng ăn: liều khỏi đầu 1⁄2 viên x 4 lần/ngày, tăng dần trong thời gian 3 tuần đến 8mg x 4 lần/ngày.

Trẻ em

Không dùng thuốc Cyproheptadine cho trẻ em dưới 2 tuổi.

Tình trạng dị ứng:

  • Trẻ em từ 2 – 6 tuổi: liều thông thường 1⁄2 viên/lần x 2 – 3 lần/ngày; điều chỉnh liều dùng dựa trên kích thước và đáp ứng của bệnh nhân, liều tối đa là 12mg/ngày.
  • Trẻ em từ 7–14 tuổi: liều thông thường 1 viên/lần x 2 – 3 lần/ngày; điều chỉnh liều dùng dựa trên kích thước và đáp ứng của bệnh nhân, liều tối đa là 16mg/ngày.
  • Thanh thiếu niên ≥15 tuổi: liều khởi đầu 4mg/lần x 3 lần/ngày; điều chỉnh liều dùng kích thước và đáp ứng của bệnh nhân, tối đa 0,5mg/kg mỗi ngày. Liều dùng: 4 – 20mg/ngày; hầu hết bệnh nhân cần 12 – 16mg/ngày.
  • Trẻ biếng ăn: Thanh thiếu niên ≥13 tuổi: liều dùng 2mg x 4 lần/ngày, liều tăng dần trong 3 tuần đến 8 mg x 4 lần/ngày.

3.2 Quá liều thuốc Cyproheptadine 4mg và xử trí

Sử dụng quá liều thuốc Cyproheptadine có thể dẫn đến tác dụng an thần quá mức như buồn ngủ, hôn mê, co giật và các tác dụng phụ kháng cholinergic như khô miệng, đỏ bừng mặt, giãn đồng tử, rối loạn tiêu hoá.

Xử trí trong trường hợp quá liều với Cyproheptadine có thể sử dụng siro ipeca gây nôn, rửa dạ dày và dùng than hoạt. Bên cạnh đó, áp dụng các biện pháp điều trị hỗ trợ như sử dụng thuốc vận mạch để điều trị hạ huyết áp hoặc khi xuất hiện các triệu chứng thần kinh trung ương có thể tiêm tĩnh mạch hysostigmine salicylate.

3.3 Quên liều thuốc Cyproheptadine 4mg và xử trí

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc Cyproheptadine, hãy dùng ngay nếu có thể. Trường hợp nếu gần đến thời gian sử dụng liều thuốc Cyproheptadine kế tiếp, có thể bỏ qua liều đã quên và uống liều tiếp theo như kế hoạch điều trị. Ngoài ra không dùng gấp đôi liều thuốc Cyproheptadine đã quy định.

4. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Cyproheptadine 4mg

Trong quá trình sử dụng thuốc Cyproheptadine 4mg, người bệnh cần lưu ý đến một số điều sau đây:

  • Sử dụng thuốc Cyproheptadine ở bệnh nhi: sử dụng quá liều lượng thuốc kháng histamin, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, có thể gây ra suy nhược hệ thần kinh trung ương, ảo giác, co giật, ngưng tuần hoàn hô hấp và thậm chí tử vong. Thuốc kháng histamin Cyproheptadine có thể làm giảm sự tỉnh táo, ngược lại ở trẻ nhỏ có thể tạo ra kích thích.
  • Sử dụng đồng thời thuốc kháng histamin với rượu, các thuốc ức chế thần kinh trung ương khác như thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc chống lo âu có thể làm tăng thêm các tác dụng phụ của thuốc trên hệ thần kinh trung ương. Người bệnh chú ý không được sử dụng đồ uống có cồn trong thời gian dùng thuốc Cyproheptadine.
  • Bệnh nhân lớn tuổi: thuốc kháng histamin có thể gây an thần, chóng mặt và hạ huyết áp.
  • Cyproheptadine có tác dụng giống atropin, nên cần sử dụng thận trọng ở những bệnh nhân có tiền sử hen phế quản, tăng nhãn áp, cường giáp, bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp.
  • Phụ nữ mang thai: chỉ sử dụng thuốc Cyproheptadine trong thời gian mang thai khi thật cần thiết.
  • Phụ nữ đang cho con bú: thuốc kháng histamine được chống chỉ định ở phụ nữ đang cho con bú do nguy cơ của thuốc kháng histamin đối với trẻ sơ sinh, trẻ sinh non.
  • Khả năng lái xe và vận hành máy móc: đặc biệt khi khởi đầu điều trị, thuốc Cyproheptadine có thể gây chóng mặt, buồn ngủ, choáng váng. Vì vậy, người bệnh không nên lái xe hoặc vận hành máy móc khi gặp các tác dụng phụ này.

5. Tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc Cyproheptadine

Trong thời gian sử dụng thuốc Cyproheptadine, thường xuất hiện tác dụng phụ buồn ngủ, ngủ gà. Tác dụng phụ này thường thoáng qua và mất đi sau 3-4 ngày điều trị đầu tiên và ít khi phải ngưng điều trị thuốc Cyproheptadine. Một số tác dụng phụ khác có thể gặp như:

  • Hệ thần kinh: co giật, bồn chồn, chóng mặt, nhức đầu, viêm dây thần kinh, dị cảm, an thần, run, lú lẫn, hưng phấn, kích thích, ảo giác, rối loạn phối hợp cử động, cuồng loạn, mất ngủ , khó chịu, căng thẳng.
  • Hệ tiêu hoá: buồn nôn, nôn, khô miệng, táo bón, tiêu chảy, đau vùng thượng vị.
  • Thận, tiết niệu: khó đi tiểu, bí tiểu hoặc buồn đi tiểu.
  • Hô hấp: khô mũi họng, nghẹt mũi, thở khò khè, khó thở, chảy máu cam, tiết dịch phế quản đặc.
  • Rối loạn gan mật: viêm gan, vàng da, ứ mật, suy gan, bất thường chức năng gan.
  • Mắt: mờ mắt, rối loạn điều tiết, nhìn đôi.
  • Da và mô dưới da: phát ban dị ứng, nổi mề đay, đổ mồ hôi nhiều, nhạy cảm với ánh sáng.
  • ngoại tâm thu, hạ huyết áp, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh,
  • Huyết học: thiếu máu tan máu, mất bạch cầu hạt, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu.
  • Chuyển hoá và dinh dưỡng: chán ăn, tăng cảm giác thèm ăn, tăng cân.

6. Tương tác thuốc

  • Thuốc ức chế thần kinh trung ương như thuốc ngủ, rượu, thuốc an thần dùng đồng thời với Cyproheptadine làm tăng nguy cơ suy nhược thần kinh trung ương.
  • Fluoxetine: khi dùng đồng thời với Cyproheptadine có tác dụng đảo ngược tác dụng chống trầm cảm của thuốc.
  • Thuốc ức chế MAO: làm kéo dài và tăng cường tác dụng kháng cholinergic của Cyproheptadine.
  • Rượu: có thể làm tăng tác dụng an thần của thuốc Cyproheptadine.

Thuốc Cyproheptadine là thuốc kháng histamin được sử dụng trong các trường hợp dị ứng, nổi mề đay, mẩn ngứa. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-cyproheptadine-4mg/

Công dụng thuốc Acitonal-35 Previous post Công dụng thuốc Acitonal-35
Công dụng thuốc Vintanil 500mg Next post Công dụng thuốc Vintanil 500mg