Công dụng thuốc Cestasin

Công dụng thuốc Cestasin

Cestasin là thuốc có tác dụng chống viêm, giảm dị ứng được dùng trong các trường hợp như bệnh gây ra do dị ứng không đáp ứng với thuốc kháng histamin đơn trị liệu. Cùng tìm hiểu về thuốc Cestasin qua bài viết dưới đây.

1. Cestasin là thuốc gì?

Thuốc Cestasin có thành phần chính là Betamethason 0,25mg, Dexclorpheniramin maleat 2mg và tá dược vừa đủ trong mỗi viên nén

  • Betamethason là một Corticosteroid tổng hợp, có đặc tính chống viêm mạnh và có tác dụng kháng dị ứng. Ở liều cao, thuốc này còn có tác dụng ức chế miễn dịch.
  • Dexclorpheniramin là thuốc kháng Histamin, có tác động ở thụ thể H1 ở cả trung ương và ngoại vi. Cho nên ngoài tác dụng kháng histamin còn có tác dụng an thần và tính chất của Atropin nhẹ.

2. Công dụng của thuốc Cestasin

Thuốc Cestasin nhờ đặc tính tác dụng của hai thành phần chính mà được chỉ định dùng trong các trường hợp sau:

  • Viêm mũi dị ứng theo mùa hay quanh năm mà không đáp ứng với việc dùng đơn độc các thuốc kháng histamin.
  • Hen phế quản mạn tính.
  • Viêm da dị ứng, nổi mày đay, chàm, viêm da tiếp xúc.
  • Giúp hạn chế tình trạng viêm và tiết dịch trong các bệnh lý của mắt.

Chống chỉ định:

Thuốc Cestasin không sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Người bệnh có tiền sử quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Người bệnh có nguy cơ glôcôm góc đóng, bí tiểu do rối loạn niệu đạo, phì đại lành tính tiền liệt tuyến.
  • Nhiễm khuẩn và tình trạng nhiễm virus, nhiễm nấm toàn thân.
  • Người bệnh đang có cơn hen cấp tính.
  • Không dùng cùng lúc với thuốc ức chế MAO.
  • Trẻ em dưới 6 tuổi.
  • Thận trọng: Bệnh nhân đang bị đái tháo đường hay rối loạn tâm thần cần hết sức thận trọng khi dùng, vì thuốc gây ra tăng đường huyết và các biểu hiện rối loạn tâm thần. Người đang bị loét dạ dày tá tràng, phụ nữ đang có thai và cho con bú.

3. Cách dùng và liều dùng thuốc Cestasin

Cách dùng: Thuốc được dùng theo đường uống, nên uống vào sau bữa ăn và trước khi đi ngủ.

Liều dùng:

  • Trẻ em 6 – 12 tuổi: mỗi lần uống từ 1⁄2 – 1 viên, ngày uống 2 – 3 lần, tối đa 4 viên/ngày.
  • Người lớn và trẻ em > 12 tuổi: Sử dụng mỗi lần 1 – 2 viên, ngày 3 – 4 lần, tối đa không quá 8 viên/ngày.

Nếu các triệu chứng bệnh dị ứng đã được cải thiện, nên giảm liều dần đến mức duy trì, rồi mới ngưng dùng thuốc.

Quên liều, quá liều;

  • Quên liều: Có thể bổ sung một liều thuốc ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu thời gian nhớ ra uống thuốc gần với liều kế tiếp, nên bỏ qua liều đã quên và vẫn tiếp tục sử dụng thuốc như liều bình thường.
  • Quá liều: Quá liều của thuốc thường xuất hiện với những người sử dụng liều cao kéo dài. Triệu chứng khi quá liều có thể gặp gồm giữ natri và nước, huy động calci và phospho vào máu gây ra loãng xương, tăng đường huyết, giảm sự tái tạo mô, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn…. Lúc này cần đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất khi phát hiện để được theo dõi và xử trí kịp thời.

4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Cestasin

Khi dùng thuốc bạn có thể gặp những tác dụng phụ gồm:

  • Rối loạn nước và điện giải gây ra giữ nước điện giải, phù và cao huyết áp; nguy cơ loét dạ dày.
  • Chậm lành vết thương hay loét, chấm xuất huyết.
  • Co giật, gây tăng áp lực nội sọ, tăng nhãn áp.
  • Rối loạn kinh nguyệt.
  • Tác dụng an thần gây buồn ngủ, tác động kháng Cholinergic, hạ huyết áp, rối loạn chức năng thăng bằng, chóng mặt, giảm trí nhớ, tập trung nhiều hơn ở người già là gây ra run, ảo giác.
  • Phản ứng mẫn cảm: phát ban, chàm, mày đay, mẩn ngứa, phù, sốc phản vệ.
  • Giảm các tế bào máu.
  • Nguy cơ nhiễm khuẩn tăng lên khi dùng thuốc này, nhất là dùng kéo dài và dùng liều cao.

Nếu gặp phải bất kỳ tác dụng không mong muốn nào bạn cần thông báo cho bác sĩ để được hướng dẫn cách xử trí kịp thời.

5. Điều cần lưu ý khi dùng thuốc Cestasin

Trước khi dùng thuốc bạn cần thông báo với bác sĩ về tiền sử dị ứng và bệnh lý kèm theo.

Thận trọng khi dùng:

  • Phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con bú: Do Bethamethason dễ dàng đi qua nhau thai và vào sữa mẹ có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển não bộ và tuyến thượng thận của thai nhi, trẻ bú mẹ. Do đó, thuốc Cestasin không được chỉ định dùng cho đối tượng phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú. Nếu cần thiết dùng thuốc cần cân nhắc kỹ giữa lợi ích và nguy cơ.
  • Những người lái xe và vận hành máy móc: Cần hết sức thận trọng khi sử dụng cho các đối tượng này vì thuốc có thể gây ra tác dụng phụ là buồn ngủ.
  • Những người có tiền sử loét dạ dày tá tràng hay có nguy cơ cần dùng thận trọng vì có nguy cơ gây xuất huyết.
  • Thận trọng dùng trong trường hợp suy tim sung huyết, nhồi máu cơ tim mới mắc, người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, suy gan, loãng xương và suy thận.

Khi ngừng thuốc sau thời gian dài hay liều cao bạn cần phải giảm liều dần từng bước, rồi mới ngưng dùng thuốc để tránh nguy cơ xuất hiện suy thượng thận cấp.

Thuốc này khi dùng có thể gây chậm lớn ở trẻ em.

6. Tương tác thuốc Cestasin

Các tương tác thuốc đặc hiệu khi dùng đồng thời các thuốc với thuốc Cestasin cần chú ý bao gồm:

  • Paracetamol liều cao hoặc dùng một cách trường diễn: Khi đó sẽ làm tăng nguy cơ gây nhiễm độc gan.
  • Thuốc chống trầm cảm 3 vòng: Sẽ làm cho người bệnh tăng các rối loạn tâm thần.
  • Estrogen: Gây giảm độ thanh thải, tăng tác dụng điều trị và tính độc tính của thuốc.
  • Glycosid digitalis: Khi dùng chung làm tăng độc tính của Digitalis, gây ngộ độc và hạ kali huyết.
  • Thuốc chống viêm không steroid hoặc rượu: Khi dùng phối hợp làm tăng độ trầm trọng của tình trạng loét đường tiêu hóa hay nguy cơ xuất huyết đường tiêu hoá.
  • Các thuốc chống đái tháo dùng đường uống hay Insulin: Thuốc làm tăng đường huyết nên làm giảm tác dụng của các thuốc này.
  • Phenobarbital, Rifampicin, Ephedrin khi dùng có thể làm tăng chuyển hóa của Corticosteroid.
  • Thuốc làm tăng tác dụng của các thuốc ức chế Cholinesterase, Cyclosporin, lợi niệu quai furosemid, lợi niệu Thiazid.
  • Các dẫn xuất Azol, các kháng sinh nhóm Quinolon, kháng sinh nhóm Macrolid hay Trastuzumab: Dùng cùng làm tăng nồng độ của thuốc.

Trên đây là những thông tin về công dụng của thuốc Cestasin. Đây là một loại thuốc kê đơn, bạn chỉ dùng khi được chỉ định và dùng đúng theo liệu trình bác sĩ đặt ra.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-cestasin/

Công dụng thuốc Penstal Previous post Công dụng thuốc Penstal
Công dụng thuốc Indform 850mg Next post Công dụng thuốc Indform 850mg