Công dụng thuốc Ceftume 500

Công dụng thuốc Ceftume 500

Ceftume 500 là thuốc kháng sinh phổ rộng được chỉ định điều trị nhiễm khuẩn do các vi khuẩn nhạy cảm gây ra. Bài viết dưới đây cung cấp thông tin về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Ceftume 500.

1. Công dụng thuốc Ceftume 500

Ceftume 500 là thuốc có hoạt chất chính là Cefuroxim, thuốc được bào chế dưới dạng viên nén bao phim với hàm lượng 500mg.

Cefuroxim là kháng sinh Cephalosporin, có phổ kháng khuẩn rộng. Cefuroxim có hoạt tính kháng khuẩn bằng cách gắn vào các protein đích thiết yếu (protein gắn với penicilin). Đây là các protein tham gia vào thành phần cấu tạo màng tế bào vi khuẩn, đóng vai trò là enzym xúc tác cho giai đoạn cuối cùng của quá trình tổng hợp thành tế bào. Điều này làm cho thành tế bào tổng hợp được bị yếu đi và không bền dưới tác động của áp lực thẩm thấu.

2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Ceftume 500

Chỉ định

Thuốc Ceftume 500 được chỉ định trong điều trị nhiễm khuẩn do các vi khuẩn nhạy cảm gây ra:

  • Đường hô hấp trên: Viêm tai giữa (do H. influenzae, S. pneumoniae, Moraxella catarrhalis bao gồm chủng sinh beta-lactamase hay do Streptococcus pyogenes), viêm xoang, viêm amiđan (do S. pneumoniae, H. influenzae) và viêm họng (do liên cầu beta tan máu nhóm A, Streptococcus pyogenes).
  • Đường hô hấp dưới: Viêm phổi, viêm phế quản cấp và những đợt cấp của viêm phế quản mạn tính (do S. pneumoniae, H. Influenzae).
  • Đường tiết niệu – sinh dục không biến chứng: viêm bàng quang, viêm niệu đạo và viêm thận – bể thận.
  • Da và mô mềm: bệnh nhọt, bệnh mủ da, chốc lở.
  • Bệnh lậu: viêm cổ tử cung, viêm niệu đạo cấp không biến chứng do lậu cầu.
  • Cefuroxim để chỉ định trong điều trị bệnh Lyme thời kỳ đầu do Borrelia burgdorferi gây ra.

Tốt nhất nên nuôi cấy vi khuẩn và làm kháng sinh đồ trước và trong quá trình sử dụng Ceftume điều trị nhiễm khuẩn. Ngoài ra, cần đánh giá chức năng thận khi có chỉ định.

Chống chỉ định

Sử dụng Ceftume cho bệnh nhân có tiền sử dị ứng hoặc phản ứng quá mẫn với Cefuroxim hoặc kháng sinh nhóm Cephalosporin.

3. Cách dùng thuốc Ceftume 500

3.1 Liều dùng thuốc Ceftume

Thuốc Ceftume được dùng theo đường uống. Nên uống thuốc Ceftume sau khi ăn để đạt được hấp thu tối đa. Nên uống nguyên viên thuốc Ceftume, không nhai hoặc nghiền nát viên, vì vậy viên nén Ceftume không phù hợp cho bệnh nhân không có khả năng nuốt viên. Với trẻ em, sử dụng Ceftume dạng bột pha hỗn dịch sẽ thích hợp hơn. Thời gian dùng thuốc Ceftume thông thường là 7 ngày, dao động từ 5 – 10 ngày.

Người lớn và trẻ em từ 40kg trở lên

  • Viêm amidan cấp tính, viêm xoang cấp, viêm họng: 250mg x 2 lần/ngày.
  • Viêm tai giữa: 500mg x 2 lần/ngày.
  • Đợt cấp viêm phế quản mạn: 500mg x 2 lần/ngày.
  • Viêm bàng quang: 250mg x 2 lần/ngày.
  • Viêm bể thận: 250mg x 2 lần/ngày.
  • Nhiễm khuẩn da và mô mềm: 250mg x 2 lần/ngày.
  • Bệnh Lyme: 500mg x 2 lần/ngày dùng trong 14 ngày (khoảng từ 10 – 21 ngày).

Trẻ em dưới 40kg

  • Viêm amidan cấp tính, viêm xoang cấp, viêm họng: 10mg/kg x 2 lần/ngày, liều tối đa 125mg x 2 lần/ngày.
  • Trẻ em từ 2 tuổi trở lên bị viêm tai giữa, trường hợp đặc biệt có nhiễm khuẩn nghiêm trọng: 15mg/kg x 2 lần/ngày, liều tối đa 250mg x 2 lần/ngày.
  • Viêm bàng quang: 15mg/kg x 2 lần/ngày, liều tối đa 250mg x 2 lần/ngày.
  • Viêm bể thận: 15mg/kg x 2 lần/ngày, liều tối đa 250mg x 2 lần/ngày, thời gian từ 10 đến 14 ngày.
  • Nhiễm khuẩn da và mô mềm: 15mg/kg x 2 lần/ngày, liều tối đa 250mg x 2 lần/ngày.
  • Bệnh Lyme: 15mg/kg x 2 lần/ngày, liều tối đa 250mg x 2 lần/ngày. Thời gian điều trị 14 ngày (khoảng 10 – 21 ngày).

Hiện nay vẫn chưa có kinh nghiệm về việc sử dụng Cefuroxim cho trẻ em dưới 3 tháng tuổi.

Bệnh nhân suy thận

Chưa xác định được tính an toàn và hiệu quả của việc sử dụng Ceftume ở bệnh nhân suy thận. Do Cefuroxim bài tiết chủ yếu qua thận, cần giảm liều Cefuroxim ở bệnh nhân có chức năng thận suy giảm rõ rệt. Liều khuyến cáo Cefuroxim ở bệnh nhân suy thận:

Độ thanh thải creatinin Liều khuyến cáo
≥ 30 ml/phút/1,73m2 Không cần hiệu chỉnh liều (liều thông thường là 125 – 250 mg x 2 lần/ngày).
10 – 29 ml/phút/1,73m2 Dùng 1 liều thông thường mỗi 24 giờ.
Dùng 1 liều thông thường mỗi 48 giờ.
Bệnh nhân chạy thận Dùng 1 liều thông thường sau mỗi lần lọc máu.

Bệnh nhân bị suy gan

Cefuroxim được thải trừ chủ yếu qua thận nên rối loạn chức năng gan được cho là không ảnh hưởng đến dược động học của thuốc.

3.2 Quá liều thuốc Ceftume và xử trí

Quá liều thuốc Ceftume thường gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy. Một số trường hợp có thể có phản ứng tăng kích thích thần kinh cơ, cơn co giật, đặc biệt là bệnh nhân suy thận.

Xử trí khi quá liều thuốc Ceftume gồm bảo vệ đường hô hấp, hỗ trợ thông thoáng khí và truyền dịch. Nếu xuất hiện các cơn co giật, ngưng sử dụng thuốc Ceftume và áp dụng liệu pháp chống co giật nếu có chỉ định. Điều trị triệu chứng và hỗ trợ là chủ yếu, thẩm tách máu có thể được áp dụng để loại bỏ Cefuroxim ra khỏi máu.

4. Tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc Ceftume 500

Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp khi sử dụng thuốc Ceftume:

  • Toàn thân: nhiễm nấm Candida, phản ứng phản vệ, sốt.
  • Máu: tăng bạch cầu ưa acid, giảm bạch cầu, tăng bạch cầu ưa eosin, xét nghiệm Coombs dương tính. Thiếu máu tan máu.
  • Tiêu hóa: tiêu chảy, buồn nôn, nôn. Viêm đại tràng giả mạc.
  • Gan: tăng men gan thoáng qua, vàng da ứ mật.
  • Da: ban da dạng sần, mày đay, ngứa, hồng ban đa dạng, hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử thượng bì nhiễm độc.
  • Tiết niệu – sinh dục: suy thận cấp, viêm thận kẽ. Tăng urê và creatinin máu thoáng qua.
  • Thần kinh trung ương: cơn co giật, kích động, đau đầu.
  • Bộ phận khác: đau khớp.

Ngừng sử dụng thuốc Ceftume ngay khi gặp các tác dụng không mong muốn và đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

5. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Ceftume 500

Trước khi sử dụng Ceftume, cần hỏi kỹ tiền sử dị ứng, sốc phản vệ với Cephalosporin, Penicilin hoặc các thuốc khác.

Mặc dù Ceftume hiếm khi gây biến đổi chức năng thận, tuy nhiên nên kiểm tra chức năng thận trước khi điều trị, đặc biệt là ở bệnh nhân nặng đang dùng liều tối đa.

Thận trọng ở bệnh nhân dùng đồng thời Ceftume với thuốc lợi tiểu mạnh, do có thể gây các tác dụng bất lợi đến chức năng thận.

Sử dụng Cefuroxim điều trị dài ngày có thể làm chủng vi khuẩn không nhạy cảm phát triển quá mức. Theo dõi bệnh nhân chặt chẽ, ngưng sử dụng thuốc Ceftume nếu bị bội nhiễm nghiêm trọng trong điều trị.

Đã có báo cáo viêm đại tràng giả mạc do Clostridium difficile khi sử dụng kháng sinh phổ rộng, do đó cần lưu ý đến chẩn đoán này ở bệnh nhân dùng thuốc Ceftume có xuất hiện tiêu chảy. Thận trọng khi dùng kháng sinh phổ rộng cho bệnh nhân có bệnh lý đường tiêu hóa, đặc biệt là viêm đại tràng.

Một số kháng sinh nhóm Cephalosporin (trong đó có Cefuroxim) có khả năng gây động kinh. Trường hợp xuất hiện co giật, nên ngừng dùng thuốc Ceftume và sử dụng thuốc điều trị động kinh thích hợp.

Phụ nữ mang thai và cho con bú: chưa có nghiên cứu đánh giá đầy đủ tính an toàn của Cefuroxim, thận trọng khi dùng thuốc Ceftume 500 ở đối tượng này.

6. Tương tác thuốc Ceftume 500

Probenecid: dùng liều cao làm giảm nồng độ thanh thải Cefuroxim ở thận, làm nồng độ thuốc Cefuroxim trong huyết tương cao và kéo dài hơn.

Aminoglycoside, thuốc lợi tiểu mạnh (Furosemid): dùng đồng thời với Cefuroxim làm tăng khả năng gây độc thận.

Trên đây là tất cả những thông tin quan trọng về thuốc Ceftume 500. Việc nắm rõ công dụng, liều dùng thuốc sẽ giúp quá trình sử dụng được hiệu quả và an toàn hơn.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-ceftume-500/

Công dụng thuốc Tussidrop Previous post Công dụng thuốc Tussidrop
Công dụng thuốc Dihydan Next post Công dụng thuốc Dihydan