Công dụng thuốc calcium stada 500mg

Công dụng thuốc calcium stada 500mg

Thuốc Calcium Stada 500mg chứa hoạt chất Calci carbonat được chỉ định trong điều trị và phòng ngừa thiếu hụt Calci, loãng xương, còi xương… Cùng tìm hiểu về công dụng, các lưu ý khi sử dụng thuốc Calcium Stada 500mg qua bài viết dưới đây.

1. Công dụng của thuốc Calcium Stada 500mg

Calcium Satda 500mg có tác dụng gì?”. Thuốc Calcium Stada chứa hoạt chất Calcium Carbonat chỉ định trong các bệnh lý sau:

  • Điều trị, phòng ngừa thiếu Calci;
  • Bổ sung Calci trong liệu pháp đặc hiệu điều trị và phòng ngừa loãng xương;
  • Hỗ trợ trong liệu pháp vitamin D, điều trị nhuyễn xương và còi xương.

2. Liều dùng của thuốc Calcium Stada 500mg

Calcium Stada 500mg cách dùng, liều dùng khuyến cáo là bao nhiêu?”. Theo đó, thuốc được bào chế dưới dạng viên sủi dùng bằng đường uống. Người bệnh nên hòa tan viên thuốc trong một lượng nước thích hợp (khoảng 200ml) và uống ngay sau khi pha. Calcium có thể uống cùng hoặc không cùng với bữa ăn. Liều thuốc khuyến cáo ở người trưởng thành là 500 – 1000mg (1 – 2 viên) nhằm bổ sung nhu cầu Calci khuyến cáo mỗi ngày. Trong trường hợp điều trị hoặc thiếu hụt Calci có thể sử dụng liều 2000mg (4 viên/ngày) trong thời gian đầu điều trị.

Trường hợp dùng quá liều thuốc có thể dẫn đến Calci huyết và Calci niệu với các triệu chứng như nôn, buồn nôn, khát nước, đa niệu, mất nước, táo bón… Quá liều thuốc mạn tính sẽ dẫn đến tăng Calci huyết gây vôi hóa mạch máu và các cơ quan. Thông thường ngộ độc thuốc xảy ra khi người bệnh dùng quá liều 2000mg/ngày trong thời gian dài.

Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc thuốc, người bệnh cần ngưng sử dụng Calicum Stada ngay và tiến hành bù nước, điện giải. Bên cạnh đó, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế sớm nhất để được xử trí kịp thời.

3. Tác dụng phụ của thuốc Calcium Stada 500mg

Thuốc Calcium Stada 500mg có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:

  • Ít gặp: Tác dụng phụ trên chuyển hóa và dinh dưỡng như tăng Calci niệu, tăng Calci huyết;
  • Hiếm gặp: Táo bón, đầy hơi, tiêu chảy, nôn, đau bụng, phản ứng quá mẫn như mày đay, ngứa, phát ban;
  • Rất hiếm gặp: Phản ứng dị ứng toàn thân như phù mặt, phản vệ, phù mạch thần kinh.

Trường hợp gặp phải các tác dụng không mong muốn, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc Calcium Stada và thông báo cho bác sĩ điều trị để được xử trí.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Calcium Stada 500mg

4.1. Chống chỉ định

Chống chỉ định sử dụng thuốc Calcium Stada 500mg trong những trường hợp sau:

  • Người bệnh bị sỏi Calci, sỏi thận, tăng Calci huyết xảy ra do rối loạn thừa vitamin D, cường cận giáp, suy thận nặng, khối u do mất xương, ung thư xương do di căn;
  • Tăng Calci niệu, Calci huyết kèm với nằm bất động lâu ngày;
  • Quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc Calcium Stada 500mg.

4.2. Thận trọng khi sử dụng

Người bệnh cần được kiểm soát quá trình thải trừ Calci niệu trong trường hợp phát hiện tăng nhẹ Calci niệu hoặc có bằng chứng suy thận, hình thành sỏi đường niệu… Trong trường hợp cần thiết nên ngừng dùng Calci.

Thận trọng khi sử dụng Calcium Stada ở người bệnh Sarcoid do khả năng tăng chuyển hóa vitamin D thành dạng có hoạt tính… Cần theo dõi nồng độ Calci niệu và Calci huyết thành ở những người bệnh này.

Đối với người bệnh suy thận cần theo dõi chứng năng thận và nồng độ Calci, Phosphat trong huyết thanh.

Đối với phụ nữ đang mang thai: Thuốc Calcium Stada 500mg có thể được sử dụng bổ sung cho phụ nữ đang mang thai trong trường hợp lượng Calci bổ sung hàng ngày không đáp ứng đủ nhu cầu.

Đối với phụ nữ đang cho con bú: Thuốc Calcium Stada 500mg có thể bài tiết vào sữa mẹ nhưng không gây ảnh hưởng đến trẻ bú mẹ. Vì vậy, thuốc có thể sử dụng ở phụ nữ đang cho con bú trong trường hợp lượng Calci bổ sung hàng ngày không đáp ứng đủ nhu cầu.

5. Tương tác thuốc

Sử dụng đồng thời Vitamin D và thuốc Calcium Stada 500mg làm tăng mức độ hấp thu Calci.

Thuốc Calcium Stada làm tăng tác dụng của Digoxin và các Glycosid tim, tăng độc tính và nguy cơ gặp tác dụng không mong muốn.

Calcium Carbonat làm giảm hấp thu một số thuốc như Tetracyclin (tạo phức không tan), vì vậy khuyến cáo sử dụng các thuốc này cách xa nhau ít nhất 2 giờ.

Thuốc lợi tiểu quai, lợi tiểu Thiazid làm tăng sự hấp thu Calci ở thận, vì vậy cần thận trọng nguy cơ tăng Calci huyết.

Sử dụng đồng thời Calci Carbonate và Natri Fluorure làm giảm mức độ hấp thu của cả hai thuốc, vì vậy khuyến cáo sử dụng cách nhau ít nhất 2 giờ trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng.

Tương tác thuốc xảy ra làm giảm tác dụng của Calcium Stada 500mg tăng nguy cơ gặp các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ các loại thuốc, thực phẩm chức năng đang sử dụng nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả trong điều trị.

Thuốc Calcium Stada 500mg chứa hoạt chất Calci carbonat được chỉ định trong điều trị và phòng ngừa thiếu hụt Calci, loãng xương, còi xương… Để đảm bảo hiệu quả điều trị, người bệnh cần dùng thuốc theo đơn hoặc nhờ sự tư vấn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn. Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-calcium-stada-500mg/

Công dụng thuốc Renitec Previous post Công dụng thuốc Renitec
Công dụng thuốc Desilogen Next post Công dụng thuốc Desilogen