Công dụng của thuốc Vertisum Tablets

Công dụng của thuốc Vertisum Tablets

Thuốc Vertisum Tablets – viên uống hỗ trợ điều trị triệu chứng của một số rối loạn thần kinh. Vậy thuốc Vertisum nên được sử dụng như thế nào và liều lượng ra sao?

1. Công dụng thuốc Vertisum Tablets

1.1. Thuốc Vertisum Tablets là thuốc gì?

Vertisum Tablets thuộc nhóm thuốc chống loạn thần. Thuốc Vertisum Tablets bao gồm các thành phần:

● Hoạt chất: Prochlorperazine maleate BP 5mg.

● Tá dược: Lactose monohydrate (Pharmatose 200M), cellulose vi tinh thể (PH 101), tinh bột bắp, natri crosscarmellose, natri sulphat, cellulose vi tinh thể (PH 102), magnesi stearat, silica keo khan.

Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén 10 viên 1 vỉ, hộp 10 vỉ.

1.2. Thuốc Vertisum Tablets có tác dụng gì?

Prochlorperazine maleat: là một phenothiazin, có hoạt tính chống trầm cảm trên hệ thần kinh trung ương.

Prochlorperazine có tính an thần, khả năng dung nạp thuốc nhanh. Thuốc có tác dụng chống nôn, chống ngứa, kháng histamin yếu, ức chế trung tâm điều nhiệt, giãn cơ trơn, do đó có thể dùng trong gây mê tại chỗ.

Prochlorperazine được hấp thu tốt qua đường tiêu hóa, chuyển hóa chủ yếu ở gan, thuốc được bài tiết qua nước tiểu và dịch mật. Nồng độ thuốc trong máu khi dùng đường tiêm bắp thường cao hơn khi dùng đường uống thường.

Thuốc Vertisum Tablets được sử dụng cho những trường hợp sau

  • Chóng mặt do hội chứng Meniere, chóng mặt do viêm mê đạo tai
  • Các trường hợp buồn nôn và nôn có liên quan đến chứng đau nửa đầu do bất kì nguyên nhân nào.
  • Chỉ định điều trị tâm thần phân liệt (đặc biệt là giai đoạn mãn tính).
  • Chỉ định hỗ trợ điều trị các triệu chứng bồn chồn, lo âu.

2. Cách sử dụng của Vertisum Tablets

Thuốc Vertisum Tablets được bào chế ở dạng viên nén nên được dùng bằng đường uống.

Liều dùng của thuốc Vertisum Tablets có thể tham khảo như sau:

  • Chóng mặt do hội chứng Meniere: liều 5mg/lần x 3 lần/ ngày, tăng liều khi cần thiết đến tổng liều là 30mg/ngày. Sau đó có thể giảm liều từ từ xuống còn 5 – 10 mg/ngày.
  • Phòng ngừa buồn nôn, nôn: liều 5 – 10mg/ lần, có thể dùng 2 lần – 3 lần / ngày.
  • Điều trị buồn nôn, nôn: liều 20mg ngay khi có triệu chứng nôn, buồn nôn, nếu vẫn còn triệu chứng có thể dùng thêm 10mg sau đó 2 giờ.
  • Tâm thần phân liệt và các rối loạn tâm thần: liều 75 – 100mg/ ngày được xem là có hiệu quả. Khởi đầu 12.5 mg x 2 lần/ ngày trong 7 ngày, liều hằng ngày sau đó có thể được tăng 12.5 mg trong khoảng 4-7 ngày cho đến khi bệnh nhân đạt được đáp ứng với thuốc. Sau vài tuần dùng liều hiệu quả, cố gắng giảm liều. Đôi khi tổng liều hằng ngày 50 mg hay thậm chí 25mg đã cho thấy có hiệu quả.
  • Trẻ em dùng để ngăn ngừa và điều trị nôn, buồn nôn: nếu được thì tránh dùng prochlorperazine cho trẻ, khi cần dùng khuyến cáo liều dùng 0.25 mg/kg cân nặng, 2-3 lần/ ngày. Không khuyến cáo dùng prochlorperazine cho trẻ dưới 10kg hoặc dưới 1 tuổi.

Xử trí khi quá liều:

Triệu chứng: buồn ngủ, bất tỉnh, hạ huyết áp, tim đập nhanh, thay đổi điện tâm đồ, loạn tâm thất, hạ thân nhiệt, rối loạn ngoại tháp.

Cách xử trí: Nếu phát hiện bệnh nhân sớm (tối đa là tới 6 giờ), có thể giải độc bằng cách rửa dạ dày, ngoài ra có thể sử dụng than hoạt. Hiện không có thuốc điều trị quá liều đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng.

3. Chống chỉ định của thuốc Vertisum Tablets

Chống chỉ định dùng Vertisum Tablets trên những bệnh nhân quá mẫn với prochlorperazine hay bất kì thành phần nào của thuốc.

4. Cảnh báo và thận trọng thuốc Vertisum Tablets

Tránh dùng thuốc này cho bệnh nhân suy gan, suy thận, bệnh Parkinson, nhược giáp, suy tim, u tế bào ưa crôm, nhược cơ năng, phì đại tiền liệt tuyến, bệnh nhân mẫn cảm với phenothiazin, tiền sử tăng nhãn áp góc hẹp hay mất bạch cầu hạt.

Cần theo dõi chặt chẽ ở bệnh nhân động kinh hay có tiền sử co giật, vì phenothiazin có thể làm giảm ngưỡng gây co giật.

Khuyến cáo thường xuyên theo dõi công thức máu toàn phần vì đã có báo cáo trường hợp mất bạch cầu hạt. Nếu có sốt hay viêm nhiễm không rõ nguyên nhân có thể là dấu hiệu của rối loạn tạo máu và cần phải kiểm tra công thức máu ngay.

Nếu sốt không rõ nguyên nhân thì phải ngừng điều trị ngay, vì đó có thể là dấu hiệu của hội chứng ác tính do thuốc an thần (xanh xao, tăng thân nhiệt, loạn năng hệ thần kinh tự trị, thay đổi nhận thức, co cứng cơ).

Buồn nôn, nôn, mất ngủ hiếm xảy ra sau khi bệnh nhân đột ngột ngưng dùng thuốc an thần ở liều cao. Bệnh có thể tái phát lại cũng như xuất hiện những rối loạn ngoại tháp sau ngưng thuốc, do đó khuyến cáo nên giảm liều dùng từ từ.

Thuốc an thần nhóm phenothiazin có thể gây kéo dài nặng nề khoảng QT, làm tăng nguy cơ loạn tâm thất và nguy cơ gây xoắn đỉnh có khả năng dẫn đến đột tử. Kéo dài khoảng QT sẽ trầm trọng hơn các trường hợp nhịp tim chậm, giảm kali máu, kéo dài khoảng QT bẩm sinh hay mắc phải (ví dụ: do dùng thuốc), do đó cần phải đánh giá lợi ích và nguy cơ trước khi bắt đầu sử dụng thuốc này.

Tránh dùng đồng thời với các thuốc an thần khác

5. Lưu ý khi dùng thuốc Vertisum Tablets

Đã có bằng chứng có hại trên động vật, tuy nhiên vẫn chưa có dữ liệu đầy đủ về tính an toàn của thuốc này trên phụ nữ có thai. Đối với phụ nữ có thai chỉ sử dụng trong trường hợp thật cần thiết. Thuốc có hoạt tính an thần nên có thể gây kéo dài thời gian chuyển dạ, có thể ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh như: hôn mê, run rẩy, chỉ số Apgar thấp.

Trẻ sơ sinh tiếp xúc với các thuốc chống loạn thần trong 3 tháng cuối của thai kỳ có nguy cơ gặp các tác dụng không mong muốn là các rối loạn ngoại tháp hay các triệu chứng như kích động, tăng hoặc giảm trương lực cơ, run rẩy, buồn ngủ, hô hấp kém, kém ăn. Không nên cho con bú khi đang điều trị vì thuốc này có thể bài tiết qua sữa mẹ.

6. Tác dụng phụ của thuốc Vertisum Tablets

Một vài tác dụng phụ có thể gặp khi dùng thuốc như:

  • Buồn ngủ, chóng mặt, mờ mắt, phản ứng trên da, hạ huyết áp.
  • Hội chứng ác tính do thuốc an thần (NMS).
  • Vàng da ứ mật: khi có các triệu chứng như sốt, vàng da, cần kiểm tra lại chức năng gan, cần ngưng thuốc nếu các xét nghiệm cho thấy sự bất thường.
  • Giảm bạch cầu, bạch cầu hạt: có thể đau họng đột ngột và xuất hiện các dấu hiệu của nhiễm trùng. Nếu số lượng bạch cầu giảm, phải ngừng điều trị, xem xét khởi động kháng sinh và các phương pháp điều trị thích hợp khác.
  • Thay đổi trên điện tâm đồ: thường là không đặc hiệu, biến dạng sóng Q và sóng T có hồi phục. Mặc dù phenothiazin không làm cho bệnh nhân lệ thuộc thuốc, nhưng nếu ngưng thuốc đột ngột sau khi dùng thuốc trong một khoảng thời gian dài có thể gây ra những triệu chứng tạm thời như buồn nôn và nôn, chóng mặt, run.
  • Phản ứng thần kinh cơ (rối loạn ngoại tháp): đã được quan sát thấy trên một lượng bệnh nhân đáng kể phải nhập viện vì nguyên nhân thần kinh, bao gồm nhiều dạng khác nhau: bồn chồn, kích động, rối loạn trương lực hay hội chứng giả Parkinson. Cân nhắc giảm liều hoặc ngừng điều trị tùy vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng.

Bài viết đã cung cấp thông tin Vertisum Tablets là thuốc gì, liều dùng và lưu ý khi sử dụng. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, bạn cần dùng thuốc Vertisum Tablets theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-cua-thuoc-vertisum-tablets/

Công dụng thuốc Ceteco Cenvadia Previous post Công dụng thuốc Ceteco Cenvadia
Công dụng thuốc Trajordan Next post Công dụng thuốc Trajordan