Công dụng của thuốc Imipar

Công dụng của thuốc Imipar

Imipar là thuốc được dùng trong điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Thuốc được xếp vào danh mục thuốc đường tiêu hóa có thành phần hoạt chất chính là Rabenprazole, được điều chế dưới dạng bột đông khô pha tiêm. Thuốc Imipar chỉ dùng cho bệnh nhân khi có chỉ định của bác sĩ.

1. Thuốc Imipar là gì?

Thuốc Imipar thuộc nhóm thuốc đường tiêu hóa, thường được dùng trong điều trị chứng tiết acid dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản (GERD), loét dạ dày. Thành phần chính của thuốc gồm Rabeprzole dưới dạng Rabeprazole Natri 20mg, được bào chế dưới dạng thuốc bột đông khô pha tiêm, đựng trong lọ.

Dược lực học: Về thành phần chính Rabeprazole của thuốc Imipar, đây là một chất có tác dụng làm ức chế tiết dịch vị cơ bản và trong tình trạng kích thích. Hoạt chất này sẽ ức chế enzym H+/K+-ATPase ở tế bào thành niêm mạc dạ dày, đây là enzym bơm acid, hydrogen và proton có trong môi trường đường ruột. Rabeprazole gắn vào enzym này và có tác dụng làm ngưng giai đoạn cuối cùng của quá trình tiết dịch vị, từ đó làm ngưng sự tiết acid trong dạ dày.

2. Tác dụng của thuốc Imipar

Thuốc Imipar với thành phần chính là Rabeprazole sẽ có tác dụng ức chế tiết acid dịch vị trong vòng 1 giờ sau khi người bệnh tiêm thuốc. Ở bệnh bị loét dạ dày, tác dụng của Imipar cũng đã thể hiện rõ khi cải thiện rõ rệt các sang thương niêm mạc dạ dày thực nghiệm được gây ra bởi stress do nhiễm lạnh, thắt môn vị hay uống rượu nhiều.

2.1. Chỉ định dùng thuốc Imipar

  • Điều trị loét dạ dày tiến triển có chảy máu hoặc trợt
  • Điều trị loét tá tràng tiến triển có chảy máu hoặc trợt
  • Điều trị bệnh trào ngược dạ dày – thực quản có loét hoặc trợt nghiêm trọng (GORD/GERD)
  • Điều trị bệnh trào ngược không trợt (NERD) nhưng người bệnh không dùng thuốc uống
  • Dự phòng hút acid trong khi phẫu thuật
  • Người bệnh tổn thương niêm mạc dạ dày do stress

2.2. Chống chỉ định dùng Imipar

  • Chống chỉ định Imipar cho các bệnh nhân có tiền sử mẫn cảm với rabeprazole, benzimidazol hay các thành phần khác của thuốc
  • Không dùng Imipar cho phụ nữ có thai hoặc cho con bú
  • Đối với những bệnh nhân bị rối loạn chức năng gan nặng, sử dụng thuốc Imipar cần có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ
  • Thuốc Imipar làm giảm triệu chứng tiết acid dịch vị ở dạ dày, tuy nhiên không thể ngăn ngừa được bệnh dạ dày và thực quản ác tính. Do đó, với các bệnh nhân bị bệnh dạ dày và thực quản ác tính, Imipar cũng không được khuyến cáo sử dụng.

3. Liều dùng thuốc Imipar

Liều dùng thuốc Imipar được khuyến cáo như sau:

  • Liều đề nghị cho người lớn: 20mg Imipar/ngày, dùng đường tiêm tĩnh mạch chậm hoặc truyền tĩnh mạch trong vòng 20-30 phút. Thuốc dùng trong vòng 7-10 ngày.
  • Liều dùng Imipar cho người cao tuổi: Với người cao tuổi bị loét tá tràng tiến triển và loét dạ dày lành tính tiến triển thì liều dùng là 20mg ngày 1 lần vào buổi sáng. Liều dùng thuốc Imipar trong vòng 4 tuần ghi nhận hầu hết các bệnh nhân đều lành vết loét. Một số trường hợp sau 4 tuần chưa lành vết loét thì phải điều trị thêm từ 4-6 tuần để có hiệu quả rõ rệt.
  • Liều dùng với bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản có loét: 20mg/ ngày, dùng trong vòng 4-8 tuần.
  • Liều dùng duy trì trong bệnh trào ngược dạ dày – thực quản: Liều dùng duy trì 10-20mg/ngày, dùng trong vòng 12 tháng.
  • Liều dùng phòng ngừa hút acid trong phẫu thuật, điều trị tổn thường niêm mạc do stress trong chăm sóc đặc biệt, tổn thương đầu: 20mg/lần/ngày.
  • Liều dùng cho bệnh nhân loét hành tá tràng và loét dạ dày lành tính có nhiễm H. Pylori: Imipar 20mg/lần, ngày 2 lần, kết hợp với kháng sinh clarithromycin 500mg/lần, ngày 2 lần và amoxicilin 1g/lần, ngày 2 lần. Người bệnh dùng thuốc vào 2 buổi sáng và tối, thời gian điều trị 7 ngày. Việc dùng Rabeprazole kết hợp với amoxicilinclarithromycin không thấy xuất hiện tác dụng phụ và các triệu chứng bất thường.

4. Lưu ý khi sử dụng Imipar

Lưu ý khi sử dụng Imipar như sau:

  • Chưa có tài liệu nào ghi nhận dùng thuốc Imipar ở trẻ em, do đó phụ huynh không được tự ý dùng Imipar cho trẻ em.
  • Với phụ nữ có thai: Chỉ nên dùng Imipar khi thực sự cần thiết và có chỉ định từ bác sĩ
  • Với phụ nữ cho con bú: Đã có ghi nhận các phản ứng phụ từ trẻ em bú sữa từ người mẹ có sử dụng Rabeprazole, do đó khuyến cáo không nên dùng Imipar với phụ nữ cho con bú.

5. Tác dụng phụ thuốc Imipar

Tác dụng phụ của thuốc Imipar được ghi nhận khá rõ ràng ở các nghiên cứu ngắn và dài. Dưới đây là tổng hợp các triệu chứng khi dùng Imipar

  • Triệu chứng dễ nhận thấy nhất trên da là nổi ban, ngứa, mày đay và chứng rụng lông tóc.
  • Toàn thân: Suy nhược kèm sốt, dị ứng, ớn lạnh, đau vùng ngực dưới xương ứng, người bệnh có thể nhạy cảm ánh sáng trong một số trường hợp.
  • Hệ cơ xương khớp: đau cơ, đau khớp, viêm túi thanh mạc
  • Hệ tim mạch: Tăng huyết áp, điện tâm đồ bất thường, đau thắt ngực, nhịp xoang tim chập, nhịp tim tăng.
  • Hệ hô hấp: khó thở, hen, chảy máu xanh, nấc cụt
  • Hệ tiêu hóa: Rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, nôn mửa, khô miệng, xuất huyết trực tràng, đi đại tiện có khi ra phân đen, ngán ăn, viêm lưỡi, viêm lợi, viêm trực tràng.
  • Hệ nội tiết: Cường giáp, nhược giáp
  • Hệ máu và bạch huyết: Bệnh hạch bạch huyết, thiếu máu
  • Hệ tiết niệu và sinh dục: Viêm bàng quang, khó tiểu, xuất huyết tử cung, đa niệu.
  • Tăng cân, mất nước, phù ngoại biên

Thuốc Imipar có hoạt chất chính là Rabeprazole, được dùng trong điều trị các bệnh có liên quan đến loét dạ dày và tiết acid dạ dày. Thuốc được bào chế dưới dạng bột pha tiêm, dùng có chỉ định của bác sĩ. Thuốc Imipar bao gồm nhiều tác dụng phụ, do đó người bệnh nên nắm kỹ thông tin để sử dụng thuốc đúng cách và hiệu quả.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-cua-thuoc-imipar/

Thuốc chẹn alpha là gì và được chỉ định dùng khi nào? Previous post Thuốc chẹn alpha là gì và được chỉ định dùng khi nào?
Tương tác giữa thuốc tránh thai và thuốc điều trị tiểu đường Next post Tương tác giữa thuốc tránh thai và thuốc điều trị tiểu đường