Khô hạn sau sinh và cách khắc phục

Khô hạn sau sinh và cách khắc phục

Sau quá trình sinh đẻ chị em có thể gặp nhiều vấn đề rắc rối khác nhau, trong đó bao gồm tình trạng khô âm đạo. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của chị em, do đó việc áp dụng các phương pháp chữa khô hạn sau sinh là rất cần thiết.

1. Nguyên nhân gây khô hạn sau sinh

Âm đạo khô hạn nghĩa là môi trường âm đạo thiếu đi độ ẩm và dịch nhờn cần thiết trong mỗi lần quan hệ tình dục. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào, trong đó hay gặp nhất là thời kỳ sau sinh hoặc thời kỳ mãn kinh.

Một số nguyên nhân điển hình dẫn đến tình trạng khô âm đạo bao gồm:

  • Thiếu hụt hormone estrogen trong cơ thể;
  • Viêm nhiễm phụ khoa, hút thuốc lá, trầm cảm, căng thẳng/stress kéo dài;
  • Rối loạn hệ miễn dịch, đang sử dụng thuốc điều trị nội tiết, hóa trị hoặc xạ trị vùng chậu;
  • Tập thể thao nặng;
  • Thụt rửa âm đạo sai cách;
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc;
  • Quá trình kích thích hoặc màn dạo đầu khi quan hệ tình dục sai cách hoặc không đủ lâu;
  • Đã cắt bỏ buồng trứng do các bệnh lý như u hoặc ung thư buồng trứng, ung thư cổ tử cung hoặc ung thư vú;
  • Phụ nữ sau sinh và giai đoạn đang cho con bú;
  • Phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh hoặc mãn kinh.

Trong đó phổ biến nhất là hiện tượng khô hạn âm đạo sau sinh. Để cải thiện khô hạn sau sinh hiệu quả chị em cần tìm hiểu những nguyên nhân gây bệnh, cả bên trong lẫn bên ngoài:

  • Nguyên nhân bên trong:
    • Trong thời gian mang thai, các nội tiết tố nữ trong cơ thể chị em sẽ tăng mạnh để phục vụ cho nhu cầu phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, trong vòng 24 giờ đầu sau sinh thì cả nồng độ Progesterone lẫn Estrogen trong cơ thể mẹ sẽ quay về mức bình thường. Sự sụt giảm đột ngột hormone sẽ khiến các mẹ đầy bụng, đau bụng dưới, tức ngực và tình trạng khô hạn sau sinh;
    • Việc cho con bú trực tiếp cũng góp phần kích thích tuyến yên bài tiết Prolactin, quá đó kích thích tuyến sữa bài tiết nhiều sữa để cho con bú. Hormone Prolactin sẽ ức chế quá trình sản xuất Estrogen của buồng trứng và dẫn đến khô hạn âm đạo, ảnh hưởng đến việc giao hợp và giảm ham muốn tình dục;
  • Nguyên nhân từ bên ngoài:
    • Sức khỏe suy yếu sau sinh chưa thể phục hồi ngay, kết hợp vết khâu tầng sinh môn hoặc vết mổ chưa lành và việc phải chăm sóc con vất vả sẽ khiến chị em mệt mỏi, thiếu ngủ và hệ quả là âm đạo bị khô hạn;
    • Thời kỳ mang thai đã khiến âm đạo suy yếu, dễ bị tấn công bởi nấm và vi khuẩn và khô hạn âm đạo;
    • Sự thay đổi ngoại hình khiến chị em mất tự tin và khó hưng phấn khi quan hệ tình dục;
    • Tình trạng trầm cảm, lo âu sau sinh cũng khiến ham muốn tình dục của phụ nữ sau sinh suy giảm và góp phần gây khô hạn âm đạo.

2. Biểu hiện của tình trạng khô âm đạo

Các triệu chứng đặc trưng khi môi trường âm đạo bị khô bao gồm:

  • Ngứa ngáy và viêm nhiễm: Môi trường âm đạo thiếu độ ẩm sẽ tạo điều kiện cho các chủng vi khuẩn tấn công, dẫn đến ngứa ngáy khó chịu, nghiêm trọng hơn là tiết dịch bất thường và có mùi hôi;
  • Nóng rát âm đạo và đau khi giao hợp: Tình trạng mất cân bằng độ pH do âm đạo khô sẽ khiến chị em thường xuyên có cảm giác nóng, đau rát, thậm chí là chảy máu khi quan hệ tình dục.

3. Khô hạn sau sinh và cách khắc phục bằng thuốc

Liệu pháp thay thế hormone Estrogen là phương pháp chữa khô hạn sau sinh phổ biến nhất hiện nay. Liệu pháp điều trị này nhằm mục đích thay thế, bổ sung phần hormone mà cơ thể không thể sản xuất đủ, qua đó cải thiện các triệu chứng khó chịu do âm đạo không đủ độ ẩm.

Các liệu pháp cải thiện khô hạn sau sinh bằng cách bổ sung Estrogen thường được bác sĩ chỉ định bao gồm:

  • Thuốc đặt âm đạo có thành phần Estradiol: Loại thuốc này kích thích niêm mạc âm đạo phát triển, tăng tiết dịch, đồng thời giúp sản sinh Glycogen và Acid lactic, qua đó tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn có lợi phát triển và hạn chế vi khuẩn có hại. Kết quả là âm đạo không bị khô và tránh được tình trạng viêm nhiễm;
  • Vòng âm đạo có chứa Estrogen (Estring): Bác sĩ sẽ tiến hành đặt vào âm đạo bệnh nhân một chiếc vòng dẻo, mềm để tiết trực tiếp Estrogen vào vùng mô của cơ quan này. Sau đó sau mỗi 3 tháng sẽ thay thế bằng chiếc vòng mới;
  • Kem bôi có chứa Estrogen: Khi sử dụng sản phẩm này đều đặn mỗi ngày trong thời gian từ 1 – 2 tuần, sau đó giảm tần suất bôi xuống 1 – 3 lần/tuần sẽ mang lại hiệu quả tương đối trong việc cải thiện khô hạn sau sinh;

Tuy nhiên liệu pháp thay thế Estrogen có nguy cơ gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn, ví dụ như đau ngực hoặc xuất huyết âm đạo bất thường. Do đó liệu pháp này chống chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Ung thư nội mạc tử cung;
  • Ung thư vú, đặc biệt những bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc ức chế men Aromatase;
  • Nuôi con bằng bú mẹ trực tiếp;
  • Xuất huyết âm đạo thường xuyên nhưng không rõ nguyên nhân.

4. Khô hạn sau sinh và cách khắc phục tại nhà

Ngoài các biện pháp chữa khô hạn sau sinh bằng y khoa, chị em có thể giảm bớt những cảm giác khó chịu bằng những biện pháp như sau:

  • Uống đủ nước;
  • Chế độ ăn uống tăng cường bổ sung rau xanh, trái cây tươi giàu các loại vitamin A, C, E (như đỗ, các loại đậu, cải xanh, bí ngô, cà rốt, bưởi, kiwi, ổi, đậu nành, mầm đậu nành, sữa…);
  • Hạn chế ăn mặn;
  • Có chế độ tập luyện thể dục thể thao đều đặn;
  • Giữ tinh thần luôn vui vẻ, thoải mái;
  • Tránh sử dụng các sản phẩm vệ sinh có độ pH cao: Môi trường âm đạo chứa một lượng vi khuẩn có lợi làm nhiệm vụ cân bằng độ pH và ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm. Tuy nhiên một số sản phẩm vệ sinh cơ thể (như xà phòng, sữa tắm) và vệ sinh vùng kín có thành phần bao gồm các hóa chất có khả năng gây khô và gây kích ứng cho âm đạo, hệ quả là làm nặng thêm tình trạng khô hạn sau sinh. Do đó chị em nên ưu tiên lựa chọn những sản phẩm dịu nhẹ, lành tính hơn và đồng thời hạn chế tối đa việc thụt rửa sâu vào trong âm đạo mỗi lần vệ sinh vùng kín;
  • Gia tăng tần suất quan hệ tình dục: Giao hợp với những màn dạo đầu đầy đủ sẽ giúp chị em dễ hưng phấn và đạt khoái cảm, nhờ đó mà âm đạo sẽ tăng tiết dịch, khiến cho quá trình quan hệ trở nên trơn tru và dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, khi được kích thích đủ sẽ giúp dòng máu đến các mô vùng âm đạo gia tăng, điều này có tác dụng kích thích âm đạo duy trì được độ ẩm cần thiết;
  • Dùng thực phẩm bổ sung Phytoestrogen: Đây là hợp chất tương tự như Estrogen có nguồn gốc từ thực vật, có trong đậu phụ, đậu nành và các loại hạt. Việc bổ sung những sản phẩm này sẽ giúp hỗ tệp đẩy lùi tình trạng khô âm đạo sau sinh và trong thời kỳ tiền mãn kinh.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/san-phu-khoa-va-ho-tro-sinh-san/kho-han-sau-sinh-va-cach-khac-phuc/

ARSA được xác định trên siêu âm thai như thế nào? Previous post ARSA được xác định trên siêu âm thai như thế nào?
Lưu ý khi chụp x quang tử cung vòi trứng Next post Lưu ý khi chụp x quang tử cung vòi trứng